Giá điện tăng bất thường do độc quyền, thiếu minh bạch

Lâu nay chưa làm rõ được chi phí sản xuất của ngành điện nên không kiểm tra được hiệu quả sản xuất cũng như lợi nhuận EVN thu về.

Với quy định giá điện 6 bậc thang như hiện nay rõ ràng không còn phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội. Ở bậc 1 và bậc 2 được cho là nhằm hỗ trợ người sử dụng điện thấp với bước chênh lệch giá chỉ 47 đồng/KWh, các bậc 3, 4, 5 chịu mức chênh lệch khá lớn, nhưng thực tế nhóm người sử dụng số điện thuộc bậc 1 và 2 lại không nhiều, đa số đều vượt qua chỉ số giới hạn và phải chịu mức giá rất cao của nhóm bậc 3 và 4. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá điện của nhiều hộ tiêu dùng bỗng nhiên nhảy vọt.

Tới đây, việc xây dựng biểu giá điện cần phải được thay đổi, tính toán lại. Nền kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng tăng lên, thì thiết kế bậc thang giá điện và mức nhảy giá cũng phải nới rộng ra.

Tôi lấy ví dụ, trước đây một gia đình chỉ có một bóng đèn, một cái quạt, một nồi cơm điện, nhưng bây giờ còn có điều hòa, bình nóng lạnh, có ti vi, máy tính… không thể áp dụng cách tính theo bậc thang đã cũ, không còn phù hợp.

Không để độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp

PV: - Trong trường hợp muốn thay đổi cách tính giá điện, theo ông cần phải có những điều kiện gì? Lâu nay, dư luận đòi hỏi EVN phải công khai cách tính giá điện bình quân cơ sở, nhưng tới nay giá điện bình quân cơ sở vẫn là ẩn số. Khó khăn của EVN là gì? Trong trường hợp không công khai được giá bình quân cơ sở thì có thể tính toán giá điện một cách hợp lý, khách quan, minh bạch được không? Nếu vậy, theo ông, vấn đề này cần được thanh tra, làm rõ thế nào?

TS Đinh Sơn Hùng: - Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để có thể xác định được giá điện bình quân bán lẻ một cách tương đối chính xác là phải công khai chi phí sản xuất của ngành điện. Từ việc công khai chi phí sản xuất sẽ xác định được lợi nhuận bình quân của ngành điện trong nền kinh tế hiện nay là bao nhiêu.

Trên cơ sở nắm bắt được bình quân lợi nhuận trong nền kinh tế sẽ tính toán được chênh lệch giữa chi phí đầu vào và chi phí đầu ra có tương thích với lợi nhuận bình quân của nền kinh tế hay không, khi đó mới trả lời được mức giá bán lẻ hiện nay là phù hợp hay không phù hợp.

Yêu cầu này lâu nay vẫn được đặt ra, nhưng EVN lảng tránh, điều này có thể liên quan tới vấn đề lợi nhuận cũng như các khoản thua lỗ mà doanh nghiệp này đang gánh.

Lần thanh tra này, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và buộc EVN phải công khai chi phí sản xuất để làm cơ sở tính giá bán điện cho người tiêu dùng.

PV: Một vấn đề khác từng gây ồn ào nhưng lại ít được đề cập trong các lập luận tăng giá điện của EVN đó là tình trạng kinh doanh thua lỗ do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả, lỗ cả chục nghìn tỉ đồng. Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.

Còn đầu tư trong nước thì chậm tiến độ, gây thất thoát nguồn lực quốc gia. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2005 - 2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện, tăng chi phí đầu tư cho dự án. Điển hình là dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1…

Kết quả, EVN đứng đầu trong bảng danh sách nợ nước ngoài với khoản nợ 161.891 tỉ đồng. Ngoài ra, EVN còn đầu tư xây biệt thự, sân tennis… gây lãng phí. Đáng nói, các khoản thua lỗ trên hầu hết đều được tính vào giá thành bán lẻ điện cho người dân.

Điều này có hợp lý không? Vấn đề này cần phải được xem xét, xử lý như thế nào để tiến tới một mức giá điện phù hợp, công bằng?

TS Đinh Sơn Hùng: - Đây chính là vấn đề Thanh tra Chính phủ cần làm rõ. Cần yêu cầu ngành điện công khai chi phí sản xuất để làm rõ lợi nhuận, cũng như đánh giá hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, trên cơ sở đó mới xác định giá bán lẻ điện tiêu dùng hiện nay cao hay thấp, hợp lý hay bất hợp lý.

Chính vì lâu nay chưa làm rõ được chi phí sản xuất của ngành điện nên mới không kiểm tra được hiệu quả sản xuất cũng như lợi nhuận EVN thu về. Đây là điểm mấu chốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự tung tự tác, áp đặt mức giá, bắt người dân phải chịu.

Khoản thua lỗ lên đến 2.195 tỉ đồng do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, cùng hàng nghìn tỉ đồng rót vào các dự án nhiệt điện trong nước nhưng hầu hết đều chậm tiến độ, gây mất vốn, thất thoát, cho tới hàng loạt những chi phí khác đều đang được doanh nghiệp này ngấm ngầm tính vào giá thành, cứu lỗ cho EVN, nhưng bao nhiêu năm nay vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó mỗi lần đề cập tới vấn đề công khai, minh bạch chi phí đầu vào, EVN lại tìm cách né tránh, bao biện.

Sự nhập nhèm, thiếu sòng phẳng của EVN đã khiến người dân, dư luận bức xúc, mất niềm tin. Việc này còn được thể hiện rõ hơn qua những giải thích mang tính bao biện, thiếu căn cứ mỗi khi đại diện EVN lên tiếng.

Đơn cử như việc EVN từng tính gộp chi phí hao tổn đường truyền tải điện vào giá thành, bắt người tiêu dùng phải chịu. Trong kinh doanh, người tiêu dùng chỉ phải chi trả những khoản chi phí cho các loại hàng hóa cũng như dịch vụ họ đã sử dụng, không thể bắt người tiêu dùng phải chi trả những loại hàng hóa mà họ không sử dụng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gia-dien-tang-bat-thuong-do-doc-quyen-thieu-minh-bach-3380037/