Giá dầu vẫn có tuần tăng 1% giữa đợt bùng phát lây nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu

Giá dầu ngọt nhẹ WTI đi ngang, trong khi giá dầu Brent leo dốc 1% nhờ dự báo tích cực về nhu cầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Thị trường nhiên liệu biến động mạnh trong tuần qua trướckhi bật tăng hơn 2% ở phiên cuối tuần sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tăng dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020. Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu bị hạn chế do tình trạng tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với mặt hàng năng lượng.

Giá dầu Brent tăng khoảng 1% trong tuần.

Giá dầu Brent tăng khoảng 1% trong tuần.

Trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ và dầu Brent đồng loạt lao dốc khi giới thương nhân thận trọng đánh giá tác động của đại dịch Covid-19.

Giá dầu tiếp tục sụt giảm trong ngày 7/7, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng vọt tại Mỹ và nhiều nước tiếp tục gây lo ngại nhu cầu dầu thô sẽ yếu hơn. Giá dầu WTI hạ 1 xu Mỹ, xuống còn 40,62 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent mất 2 xu Mỹ, giao dịch ở mức 43,08 USD/thùng.

Bước sang phiên giao dịch ngày 8/7, giá “vàng đen” quay đầu đi lên khi tiêu thụ xăng dầu của Mỹ có dấu hiệu phục hồi, song mức tăng bị hạn chế bởi lượng dự trữ dầu của Mỹ tăng và số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh trên toàn cầu. Chốt phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 21 xu Mỹ lên 43,29 USD/thùng, còn giá dầu WTI cộng 28 xu Mỹ lên 40,90 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu lại giảm mạnh trong phiên 9/7, trong đó giá dầu WTI rớt mốc 40 USD/thùng, khi các nhà đầu tư lo ngại tình trạng gia tăng đột biến ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và một số nước khác có thể đe dọa làm suy giảm nhu cầu dầu thô.

Giá dầu khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch ngày 10/7 sau khi dữ liệu cho thấy các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 10 liên tiếp.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 89 xu Mỹ, tương đương 2%, lên mức 43,24 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhảy vọt 93 xu Mỹ, tương đương 2,4%, lên tới 40,55 USD/thùng.

Tính chung trong tuần, giá dầu WTI của Mỹ đi ngang, trong khi giá dầu Brent tăng khoảng 1%.

Ông Tyler Richey, đồng biên tập của chuyên trang nghiên cứu Sevens Report Research, nhận định giá dầu đã nhận được động lực sau khi hãng dược phẩm Gilead của Mỹ cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc remdesivir điều trị Covid-19 được công ty này phát triển đã làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 là 62%.

Kết quả khả quan trên cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ. Ông Richey cho rằng, giá dầu mỏ có sự liên quan mật thiết với thị trường cổ phiếu trong tuần qua, khi sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục làm giảm những hy vọng về sự phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu.

Trong một báo cáo tháng, IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu thô hàng năm lên 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với dự báo đưa ra vào tháng trước, khi mức giảm của nền kinh tế trong quý II thấp hơn dự kiến, nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng ở nhiều nước.

Dù vậy, cơ quan này nhận định sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 có thể tác động đến nhu cầu sắp tới. Theo IEA, số ca nhiễm tăng ở một số nước cho thấy đại dịch vẫn chưa được kiểm soát và triển vọng thị trường gần như chắc chắn là theo hướng đi xuống.

Mỹ có thêm 63.000 ca nhiễm mới trong ngày 9/7, mức tăng kỷ lục theo ngày, khi số ca nhiễm và số ca nhập viện tại California và Texas tăng.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi việc khởi động trở lại mỏ dầu Messla và nhà máy lọc dầu Sarir ở Libya sau thời gian đóng cửa kể từ tháng Một do bất ổn ở nước này.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư năng lượng tin tưởng vào khả năng phục hồi của giá dầu từ các mức thấp hồi tháng 4, dù giá vẫn duy trì ở mức khoảng 40 USD/thùng.

Vào đầu phiên, giá dầu sụt nhẹ sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya thông báo đã dỡ bỏ điều kiện bất khả kháng trong tất cả hợp đồng xuất khẩu dầu sau hơn nửa năm bị các thế lực phương Đông phong tỏa.

Đà phục hồi của giá dầu vẫn bị hạn chế trong tuần này do lo ngại tái xuất hiện tình trạng dư cung toàn cầu.Lượng dầu dự trữ vẫn đầy kho do nhu cầu nhiên liệu, dầu diesel và những khí đốt khác sụt giảm mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ.

“Nếu nhìn vào bức tranh thị trường toàn cảnh, chúng ta thấy dự trữ dầu toàn cầu chưa giảm được bao nhiêu”, JBC chia sẻ.

Trong khi đó, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng gần 6 triệu thùng sau khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm hơn nửa con số đó.

Bên cạnh đó, việc leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngày 10/7 cũng tăng thêm áp lực cho đà đi lên của giá dầu./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dau-van-co-tuan-tang-1-giua-dot-bung-phat-lay-nhiem-covid-19-moi-tren-toan-cau-389614.html