Giá dầu và chứng khoán châu Á giảm sâu trong phiên giao dịch sáng 30/3

Chỉ số chứng khoán Tokyo giảm hơn 3% khi mở cửa phiên giao dịch sáng 30/3 trong bối cảnh bất ổn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/3/2020. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/3/2020. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Lúc 9h15 giờ địa phương, chỉ số Nikkei-225 đã “bốc hơi” 3,23% so với phiên giao dịch ngày 27/3, xuống còn 18.762,19 điểm. Chỉ số Topix mất 3,23% xuống còn 1.412,36 điểm.

Trong khi đó, giá đồng yen so với đồng USD tăng mạnh so với tuần trước do các ngân hàng trung ương “bơm” USD nhằm tăng thanh khoản. Tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD giao dịch lúc 9h ở mức 107,46-47 yen đổi 1 USD, so với 107,94-108,04 yen đổi 1 USD trên sàn giao dịch New York và 108.90-92 trên sàn giao dịch Tokyo lúc 17h ngày 27/3.

Cũng trong phiên giao dịch sáng 30/3 tại thị trường Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Hang Seng giảm 1,97% xuống còn 23.020,85 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải giảm 1,63% xuống mức 2.727,05 điểm và chỉ số chứng khoán tổng hợp Thâm Quyến mất 1,95% xuống mức 1.660,35 điểm.

Tiếp đà giảm trên thị trường chứng khoán do cuộc khủng hoảng COVID-19 leo thang, giá dầu cũng sụt giảm trong phiên giao dịch sáng 30/3 tại thị trường châu Á.

Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ ở mức 20 USD - giảm 3,9%, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4,9% xuống mức 23 USD/thùng.

Giá “vàng đen” sụt giảm sau khi thế giới ghi nhận số ca tử vong do đại dịch COVID-19 vượt quá 30.000 người cuối tuần qua, cũng như số ca mắc bệnh tại Mỹ và châu Âu tăng vọt. Trong những tuần qua, giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa cũng như hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch bệnh, khiến nhu cầu dầu mỏ đi xuống. Bên cạnh đó, giá dầu giảm còn do các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Nga gia tăng nguồn cung sau khi hai nước này không thể đi đến thỏa thuận giới hạn sản lượng.

Cũng trong phiên đầu tuần tại thị trường châu Á, giá vàng đi lên trong bối cảnh đồng USD giao dịch gần mức thấp nhất của 2 tuần ghi nhận trong phiên trước đó. Ngoài ra, lệnh phong tỏa được siết chặt tại nhiều nước trên thế giới để ngăn dịch COVID-19 và mối lo về thiệt hại kinh tế tăng đã thúc đẩy nhu cầu vàng, vốn được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore lúc 7h29 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.621,85 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 1.641,80 USD/ounce.

Đồng USD giao dịch gần mức thấp nhất kể từ ngày 17/3, qua đó khiến giá vàng rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/3 cảnh báo dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và nhiều quốc gia cần ứng phó bằng các gói kích thích lớn để tránh một loạt vụ phá sản và vỡ nợ tại thị trường mới nổi. Hạ viện Mỹ hôm 27/3 đã thông qua một gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử trị giá 2.200 tỷ USD để giúp đối phó với sự sụt giảm kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 1,17% lên 964,66 tấn trong phiên ngày 27/3.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,8% lên 2.287,98 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,5% xuống 738,05 USD/ounce, còn giá bạc hạ 0,8% xuống 14,36 USD/ounce.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gia-dau-va-chung-khoan-chau-a-giam-sau-trong-phien-giao-dich-sang-303-20200330120935325.htm