Giá dầu tuần qua và dự báo

Giá Brent (tháng 10) trong tuần giao dịch 27 - 31/7 biến động trong biên độ 41,69 - 44,25 USD/thùng, kết thúc giao dịch tháng 7 ở mức 43,64 USD/thùng (tăng 3,6% trong tháng).

Mở cửa tuần giao dịch ngày 27/7, Brent xoay quanh mốc 43,5 USD/thùng, có lúc giảm xuống 43 USD/thùng do lo ngại về tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, đồng thời căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Mỹ chính thức đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô và sắp tới sẽ yêu cầu Trung Quốc giảm số lượng nhân viên ngoại giao bằng với Mỹ. Đà giảm giá dầu được hạn chế nhờ đồng USD suy yếu và kỳ vọng chính phủ Mỹ sớm tung ra gói kích cầu kinh tế mới trị giá 1.000 tỷ USD, Brent cuối phiên lấy lại mốc 44 USD/thùng. Ngày 28/7, Brent mở cửa tăng nhẹ lên 44,25 USD/thùng sau đó bắt đầu giảm dần về 43,5 USD/thùng do giới đầu tư lo ngại về triển vọng hồi phục kinh tế bấp bênh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới. Tại Mỹ, 16 bang trong diện cảnh báo đỏ, châu Âu chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ 2, sẵn sàng tái áp dụng các biện pháp phòng chống, bao gồm cả cách ly xã hội từng vùng riêng lẻ, trường hợp nhiễm mới tăng mạnh tại Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam. Ngoài ra, 2 đảng của Mỹ chưa đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cứu trợ 1 nghìn tỷ, dẫn đến khả năng tạm dừng chi trả khoản trợ cấp thất nghiệp nâng cao 600 USD/tuần sau ngày 31/7.

Ngày 29/7, Brent có lúc tăng hơn 1% lên 44,1 USD/thùng nhờ thông tin từ EIA về trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua bất ngờ giảm mạnh 10,61 triệu thùng, cao hơn số liệu của API, mặt khác, trữ lượng xăng tăng 1,1 triệu thùng cho thấy nhu cầu tiêu thụ giảm. Yếu tố tích cực duy nhất giữ cho giá dầu không giảm là đồng USD suy yếu so với các ngoại tệ khác, đặc biệt là euro đã không thể đỡ được Brent giảm gần 5% trong phiên giao dịch 30/7 khi hàng loạt tin xấu được công bố:

Số ca nhiễm Covid-19 mới toàn cầu tăng lên 292.000 ca/ngày, Brazil dẫn đầu danh sách với trên 70.100 ca, Ấn Độ cũng vượt 50.000 ca;

Chủ tịch FED tuyên bố dịch bệnh lây lan tại Mỹ gia tăng và các biện pháp hạn chế đang bắt đầu cản trở sự phục hồi kinh tế, dẫn đến sụt giảm tiêu dùng, thị trường lao động. Kể cả khi quá trình tái mở cửa kinh tế diễn ra tốt đẹp, cần nhiều thời gian để kinh tế Mỹ phục hồi trở lại - cho thấy lo ngại về dự báo phục hồi kinh tế thế giới nhanh chóng dẫn đến phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. FED quyết định giữ nguyên mức LSCB ở mức thấp nhất 0-0,25%, tiếp tục duy trì các chương trình cứu trợ khẩn cấp;

GDP Mỹ quý 2 sụt giảm 9,5% so với quý 1, tương đương -32,9%/năm (suy thoái mạnh mẽ nhất kể từ năm 1946);

GDP Eurozone quý 2 sụt giảm 12,1%;

OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm từ 9,7 triệu bpd xuống 7,7 triệu bpd từ 1/8 trong bối cảnh sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ chưa rõ ràng, một số thành viên OPEC nhận định nhu cầu dầu thế giới sẽ vĩnh viễn không hồi phục trở lại, kể cả đến năm 2040;

Ngày 31/7, Brent tăng nhẹ lên quanh mức 43,2 - 43,5 USD/thùng sau phiên giảm mạnh nhờ đồng USD tiếp tục suy yếu (USD index có lúc chạm 92,5) và thị trường chứng khoán tăng sau báo cáo kết quả kinh doanh tốt từ các công ty IT (Google, Apple, Facebook, Amazon), nhờ đó Apple đã vượt qua Saudi Aramco trở thành công ty có vốn hóa cao nhất thế giới 1.786 tỷ USD.

Nhìn chung, các yếu tố tác động tiêu cực đến giá dầu trong ngắn và trung hạn đang chiếm ưu thế như: dịch bệnh, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu có dấu hiệu chậm lại, căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga, Ấn-Trung sẽ kéo đà phục hồi kinh tế thế giới đi xuống.

Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 40 - 45 USD/thùng.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/gia-dau-tuan-qua-va-du-bao-575373-575373.html