Giá dầu thô tiến sát mốc 40 USD/thùng, OPEC+ có thể kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác

Giá dầu thô tiếp tục bật tăng mạnh, gần chạm mốc 40 USD/thùng trong bối cảnh liên minh các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới OPEC+ có thể sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác đến tháng 7/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước, qua đó tác động tích cực lên diễn biến giá dầu thô (Ảnh: Bloomberg News)

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước, qua đó tác động tích cực lên diễn biến giá dầu thô (Ảnh: Bloomberg News)

Chốt phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2020 tăng 22 cents tương ứng 0,8% lên 39,79 USD/thùng; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 40,53USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 3/6/2020. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2020 chốt phiên tại mức 37,29 USD/thùng, tăng 48 cents so với phiên giao dịch trước.

Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua chủ yếu nhờ các dữ liệu mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước. Dữ liệu của EIA cũng cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh xuống mức 11,2 triệu thùng/ngày – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm khi các dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ xăng tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng lên trong bối cảnh công suất các nhà máy lọc dầu tại nước này hoạt động ở mức thấp, phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở mức yếu.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng hoài nghi việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu có thể nhóm họp sớm trong tuần này. Một số thông tin cũng cho thấy các quốc gia khai thác dầu thô thuộc khối OPEC không có thảo luận về việc tự nguyện đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa trong giai đoạn sau tháng 6/2020.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Nga và Ả-rập Xê-út đã đạt được thỏa thuận kéo dài việc cắt giảm mạnh sản lượng khai thác thêm 1 tháng nữa, đến tháng 7/2020, thay vì kết thúc vào cuối tháng 6/2020 như dự kiến.

Liên minh OPEC+ hiện đang thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu (trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát) trong tháng 5 và tháng 6/2020. Trong thời gian gần đây, liên minh OPEC+ bắt đầu trao đổi về khả năng kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác nhằm tiếp tục hỗ trợ giá dầu thô.

Ông Olivier Jakob, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn thị trường dầu mỏ Petromatrix, nhận định giá dầu thô đã tăng vững từ đầu tuần đến nay nhờ các tin tức khả năng liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp sớm để ra quyết định điều hành hoạt động sản xuất của khối. Tuy nhiên, các tin tức mới cho thấy liên minh OPEC+ khó có thể nhóm họp ngay trong tuần này đã ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến giá dầu thô, theo ông Olivier Jakob.

Giá dầu thô đều đồng loạt bật tăng mạnh trong vài tuần gần đây, trong đó giá dầu thô Brent đã tăng gần gấp đôi sau khi giảm xuống mức 16 USD/thùng trong tháng 4/2020 – mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây, thậm chí giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu suy giảm mạnh vì dịch bệnh và tình trạng dư cung trầm trọng khiến các kho chứa dầu thô hết khả năng chứa thêm dầu.

Hiện tại thị trường đang tập trung quan sát đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới; khảo sát của giới phân tích cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trở lại trong tháng 5 vừa qua.

Quang Đặng (Theo Reuters)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-dau-tho-tien-sat-moc-40-usdthung-opec-co-the-keo-dai-viec-cat-giam-san-luong-khai-thac-72264.htm