Giá dầu thô tăng, kinh tế thế giới ghi nhận hàng loạt tin tích cực

Giá dầu thô thế giới đã tăng 1,8% trở lại trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp tại các nền kinh tế lớn trên thế giới ghi nhận nhiều thông tin tích cực.

Giàn khoan dầu thô hoạt động tại khu vực Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: Equinor)

Giàn khoan dầu thô hoạt động tại khu vực Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: Equinor)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 76 cents tương ứng 1,8% lên 42,03 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 55 cents tương ứng 1,4% lên 39,82 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng trở lại chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích. Cụ thể, dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại nước này đã bất ngờ giảm tới 7,2 triệu thùng trong tuần trước, sau 3 tuần tăng liên tiếp lên mức cao kỷ lục. Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 710.000 thùngg của các chuyên gia.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao Phil Flynn từ hãng môi giới chứng khoán Price Futures (Hoa Kỳ) nhận định “Lượng dầu thô được Hoa Kỳ nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út đã giảm xuống và tôi cho rằng sự sụt giảm lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ còn diễn ra trong thời gian tới”.

Dữ liệu của EIA cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ giảm mạnh chủ yếu do các nhà máy lọc dầu tại nước này đang bắt đầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất trở lại sau khi thu hẹp sản xuất dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Mức độ hoạt động của các nhà máy lọc dầu tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 0,9 điểm phần trăm lên 75,5% - mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2020.

Bên cạnh đó, các thông tin tích cực về hoạt động kinh tế trên toàn cầu cũng đã hỗ trợ tích cực giá dầu thô. Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã phục hồi trở lại trong tháng 6/2020, chạm mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây khi nhiều tiểu bang tái mở cửa nền kinh tế.

Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) khối sản xuất trong tháng 6/2020 đã tăng mạnh hơn so với dự báo. Trong khi đó, mức suy giảm của hoạt động sản xuất tại Đức trên thực tế thấp hơn so với dự báo của giới phân tích và hoạt động sản xuất tại Pháp đã phục hồi tăng trưởng trở lại. Đức và Pháp là 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, giới đầu tư trên thị trường dầu mỏ hiện vẫn thận trọng theo dõi diễn biến thị trường sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh tại Hoa Kỳ và các chuyên gia y tế hàng đầu cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 tại nước này sẽ nhanh chóng gia tăng gấp đôi.

Quang Đặng (Theo Reuters)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-dau-tho-tang-kinh-te-the-gioi-ghi-nhan-hang-loat-tin-tich-cuc-73071.htm