Giá dầu thô sẽ tăng vọt nếu Iran chặn eo biển Hormuz

Iran đã gây thêm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh khi đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz- cửa ngõ để các quốc gia trong khu vực trao đổi thương mại với phương Tây.

Sơ đồ eo biển Hormuz.

Sơ đồ eo biển Hormuz.

Ông John Kilduff, người sáng lập quỹ đầu tư năng lượng Again Capital cho rằng, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz, giá dầu thô Brent có thể tăng vọt. "Trong trường hợp đóng cửa hoặc bất kỳ tình huống căng thẳng quân sự nào trên eo biển Hormuz, giá dầu có thể tăng lên tới mức 150- 200USD/thùng", ông John Kilduff nói với CNBC.

Sở dĩ eo biển Hormuz có ý nghĩa đặc biệt đối với thị trường dầu mỏ thế giới là do có vị thế địa kinh tế và chính trị rất quan trọng với các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc khu vực Trung Đông. Đây là cửa ngõ để các nước trong khu vực trao đổi buôn bán với các nước phương Tây. Nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư với bờ Bắc là Iran và bờ Nam là Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Musandam, một phần đất tách ra của Oman.

Tuy nhiên, bờ biển phía đảo Musandam gập ghềnh nhiều đá ngầm và nông, do đó, phần eo biển bên phía Iran là tuyến đường hàng hải duy nhất để các tàu có thể qua lại. Phần lớn dầu thô từ Saudi Arabia, Iran, UAE, Kuwait và Iraq đều được vận chuyển đi qua eo biển này. Đây cũng là con đường cho gần như tất cả các lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar.

Xét về tiềm lực quân sự, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển này bất cứ lúc nào họ muốn. Trong quá khứ, Iran đã từng rất nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển này nhưng chưa bao giờ thực hiện. Các chuyên gia đánh giá, việc Iran đóng cửa eo biển chỉ là đòn tâm lý, nhất là khi Mỹ đã gia tăng lực lượng quân sự tại khu vực này. Đặc biệt, Mỹ, Israel và một số nước vùng Vịnh đang tạo dựng một liên minh quân sự chặt chẽ và liên tục đe dọa sử dụng vũ lực chống Iran.

Do vậy, Iran đang cần các đồng minh sát cánh hơn bao giờ hết. Động thái đóng cửa eo biển này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường vận tải biển và dầu mỏ toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các nước đồng minh trong khu vực của Tehran.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/gia-dau-tho-se-tang-vot-neu-iran-chan-eo-bien-hormuz-133696.html