Giá dầu thế giới tiếp tục tăng

Đà tăng liên tiếp từ đầu tuần và phiên 'lội ngược dòng' đi lên vào cuối tuần sau khi giảm hơn 3% vào phiên trước đó đã giúp giá dầu thế giới chứng kiến tuần tăng thứ ba liên tiếp.

Một cơ sở của công ty Colonial Pipeline tại Baltimore, Maryland, Mỹ, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một cơ sở của công ty Colonial Pipeline tại Baltimore, Maryland, Mỹ, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu do sự việc công ty quản lý hệ thống các đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ là Colonial Pipeline bị một cuộc tấn công mạng buộc phải đóng cửa từ cuối tuần trước đã khiến giá dầu đi lên ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 10/5).

Colonial Pipeline vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác từ Vịnh Mexico tới bờ Đông đông dân của Mỹ thông qua đường ống dài 8.850 km, phục vụ 50 triệu khách hàng. Ngoài ra, hệ thống này cũng phục vụ một số sân bay lớn nhất của đất nước, trong đó có Hartsfield Jackson của Atlanta.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của trung tâm Commerzbank cho biết, nếu đường ống này tiếp tục ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường dầu mỏ không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu.

Giá “vàng đen” tiếp tục hưởng lợi trong hai phiên giao dịch Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/5 đã nâng dự báo nhu cầu đối với dầu thô của khối này thêm 200.000 thùng/ngày và giữ nguyên dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay.

Trong khi đó, tốc độ lây lan dịch COVID-19 nhanh chóng ở Ấn Độ đã làm gia tăng những lời kêu gọi phong tỏa quốc gia đông dân thứ hai thế giới này, và cũng là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba toàn cầu.

“Điểm tối” duy nhất của thị trường dầu trong tuần này là phiên 13/5, khi giá dầu thế giới giảm khoảng 3% giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ ngày càng trầm trọng và đường ống dẫn dầu tại Mỹ đã nối lại hoạt động sau sự cố của Colonial Pipeline. Đây là mức giảm phần trăm lớn nhất tính theo ngày kể từ đầu tháng 4/2021. Giá dầu phiên 13/5 cũng chịu sức ép khi giá hàng hóa nhìn chung đều tăng, thiếu hụt lao động và số liệu về chỉ số giá tiêu dùng tăng nhiều hơn dự kiến trong tuần này đã làm dấy lên lo ngại lạm phát, có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 14/5). Colonial Pipeline cho biết vào chiều ngày 13/5 rằng họ đã khởi động lại toàn bộ hệ thống đường ống dẫn và bắt đầu vận hành tại tất cả các thị trường của mình.

RBC Global Markets ước tính rằng, sự cố ngừng hoạt động các đường ống dẫn của Colonial Pipeline dẫn đến thiếu hụt 7,5 triệu thùng xăng ở Bờ Đông nước Mỹ và thiếu 6 triệu thùng đối với sản phẩm chưng cất.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2021 tăng 1,55 USD (2,4%), lên 65,37 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2021 cũng tăng 1,66 USD (2,5%), lên 68,71 USD/thùng.

Với đà tăng của phiên cuối tuần, hai loại dầu chủ chốt này đã thoát khỏi đà giảm trong tuần qua để ghi nhận tuần tăng gia thứ ba liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 0,7% và 0,6%.

Tuy nhiên, đáng chú ý là về nhu cầu dầu, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã báo cáo sự sụt giảm bất ngờ trong tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu.

Với dữ liệu đáng thất vọng này, kèm theo lo ngại về diễn biến dịch COVID-19 phức tạp ở Ấn Độ đã ngăn dầu leo lên mức cao mới trong năm 2021.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gia-dau-the-gioi-tiep-tuc-tang-20210515125225642.htm