Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên 13/4

Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều phiên 13/4 do việc các nước sản xuất dầu hàng đầu đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mang tính lịch sử không đủ để làm dịu bớt những quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nhu cầu 'vàng đen' toàn cầu.

Một trạm bơm xăng, dầu ở Brussels, Bỉ ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Một trạm bơm xăng, dầu ở Brussels, Bỉ ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tại thị trường London (Vương quốc Anh) đã tăng 26 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 31,74 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York (Mỹ) giảm 35 xu Mỹ (1,5%) xuống còn 22,41 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1/4.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, ngày 12/4 đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020, tương đương 10% sản lượng dầu toàn cầu.

Theo ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, có trụ sở tại Galena, Illinois (Mỹ), sự phản ứng “nhẹ nhàng” của thị trường dầu thế giới đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ dường như khá phù hợp vì thỏa thuận trên dường như là một nỗ lực “tuyệt vọng” vào phút chót để hỗ trợ thị trường song khó có thể thành công do mức độ giảm mạnh của nhu cầu dầu thế giới. Tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu đã giảm xấp xỉ 30% do sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng trên toàn cầu và buộc nhiều quốc gia phải áp dụng lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại. Điều này được cho là sẽ dẫn tới tình trạng dư cung dầu trong vài tháng hay thậm chí vài năm cho dù các nước cắt giảm sản lượng dầu, từ đó hạn chế mức tăng giá dầu dù OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng “vàng đen”.

Theo nhà phân tích kỳ cựu Edward Moya của OANDA, có trụ sở tại New York (Mỹ), vấn đề hiện nay là dịch COVID-19 có thể làm giảm nhu cầu dầu thế giới khoảng 30 triệu thùng/ngày và nhu cầu dầu thô không thể khôi phục như bình thường cho đến năm 2022.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu 3,7 triệu thùng/ngày trong khi hoạt động mua dầu dự trữ chiến lược sẽ đạt xấp xỉ 200 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới, đưa tổng mức cắt giảm sản lượng lên khoảng 19,5 triệu thùng/ngày.

Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã tình nguyện cắt giảm sản lượng dầu trong nước mạnh hơn so với mức đã nhất trí, qua đó sẽ làm giảm sản lượng dầu của OPEC+ khoảng 12,5 triệu thùng/ngày.

Anh Quân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gia-dau-the-gioi-dien-bien-trai-chieu-trong-phien-134-20200414072045145.htm