Giá dầu tăng, không quá kỳ vọng nguồn cung từ Mỹ

Giá dầu thô Brent đã vượt qua mức 75 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Trong bối cảnh các điều kiện dần trở nên bất lợi cho nguồn cung, dường như đã tới lúc vai trò của các nhà sản xuất dầu tại Mỹ được đề cao. Tuy nhiên, thực tế, sức mạnh của nguồn cung dầu tại Mỹ không lớn như mọi người vẫn nghĩ.

Diễn biến của giá dầu đang theo chiều hướng dễ đoán định hơn, khi kể từ cuối năm 2017 tới nay, cả dầu thô Brent - loại tiêu chuẩn trên toàn cầu và dầu WTI - thường dùng cho các hợp đồng tại Mỹ đều nhích lên.

Nhu cầu tại Ấn Độ gia tăng, cùng việc Trung Quốc duy trì hoạt động nhập khẩu năng lượng tích cực đảm bảo việc giá dầu rơi xuống dưới 40 USD/thùng sẽ không xảy ra. Chưa kể, hiện tại, các điều kiện đối với nguồn cung trên thị trường đang bị thắt chặt, với ít nhất là 2 sự kiện địa chính trị tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ.

Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng nghĩa với việc các lệnh cấm vận lên hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này sẽ lại được áp dụng. Thậm chí, chính quyền Mỹ đã lên tiếng về việc có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Iran.

Thứ hai, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đang khiến thị trường dầu mỏ tại đây tê liệt. Cụ thể, sản lượng dầu sản xuất tại đây giảm gần 40%, mức mạnh nhất kể từ năm 2015. Những bất ổn tại quốc gia này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, và đây chính là vấn đề lớn đối với yếu tố nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong bối cảnh này, cuộc họp ngày 22/6 sắp tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cùng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong đó có Nga, sẽ tiến hành thảo luận về vấn đề gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, lịch sử cuộc họp OPEC vào tháng 6/2011 sẽ tái diễn khi đại biểu các nước ra về mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào, bởi căng thẳng nội bộ OPEC leo thang. Cụ thể, cả Nga và Ả Rập Xê út đều ủng hộ ý kiến nâng sản lượng nhằm tăng thị phần, trong khi Iran, Iraq và Venezuela phản đối.

Trong trường hợp xấu nhất này, không ít thành viên thị trường giữ niềm tin, Mỹ sẽ là cứu cánh, khi các nhà sản xuất dầu mỏ ở đây có khả năng gia tăng nguồn cung, đảm bảo sự ổn định của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã không ít lần chứng minh, phản ứng của nguồn cung dầu Mỹ với các biến động giá cả trong ngắn hạn là rất hạn chế.

Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia, trong giai đoạn 1990 tới năm 2007, khi giá dầu có biến động dữ dội, rơi xuống gần 10 USD/thùng năm 1991 và đạt đỉnh hơn 100 USD/thùng trước năm 2008, hoạt động sản xuất của các giếng dầu tại Mỹ ít có thay đổi, thậm chí giảm nhẹ theo thời gian. Vậy tại sao sản lượng sản xuất không phản ứng trước sự thay đổi của giá?

Thông thường, các nhà sản xuất có mong muốn mạnh mẽ sẽ sản xuất nhiều hơn từ các giếng dầu khi giá lên và ít đi khi giá giảm. Nhưng tại Mỹ, năng lực của nhà sản xuất bị phụ thuộc vào dung tích của các giếng dầu đang hiện hữu, cũng như quá trình tạo áp lực chế xuất dầu từ đá phiến. Vấn đề này đòi hỏi thời gian và với biến động tăng nhanh chóng của giá dầu, nhà sản xuất tại Mỹ không thể sản xuất nhiều hơn với các giếng dầu hiện có chỉ trong vài tháng.

Do đó, để sản xuất thêm nhiều dầu, các doanh nghiệp cần đào thêm các giếng mới, hoặc mở rộng hơn nữa các giếng hiện có. Điều này cần khả năng tài chính, cũng như thời gian. Vậy câu hỏi là nhà sản xuất dầu Mỹ có thể đầu tư thêm các mỏ mới nhanh tới mức nào? Trong 12 tháng tính tới tháng 2/2018 (số liệu mới nhất được công bố), sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng 13% trong bối cảnh giá dầu giữ xu hướng đi lên. Đa phần lượng dầu tăng thêm tới từ mỏ dầu mới tại Permian Basin (West Texas).

Trong khi đó, việc khai thác mỏ dầu mới gặp ít nhất 2 vấn đề gây khó khăn. Đó là khan hiếm nguồn cung nhân lực, thiết bị cần thiết để đào và chiết xuất. Chẳng hạn, ngay cả khi đã tiến hành sản xuất, các mỏ dầu tại Permian vẫn gặp khó với nguồn cung cát cần thiết cho quá trình fracking (công nghệ nứt vỡ thủy lực). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để đưa lượng dầu khai thác mới tới các bờ biển, nơi dầu mỏ được xuất khẩu còn hạn chế.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/gia-dau-tang-khong-qua-ky-vong-nguon-cung-tu-my-232958.html