Giá dầu tăng 2% tuần này nhờ lạc quan kinh tế toàn cầu

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ khiến mức tăng của giá dầu bị hạn chế...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/5), hoàn tất một tuần đi lên, nhờ lạc quan về phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ khiến mức tăng của giá dầu bị hạn chế.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,19 USD/thùng, 0,28%, đạt 68,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,19 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, đạt 64,9 USD/thùng.

“Hạn chế đi lại được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu, cùng với niềm tin và phục hồi kinh tế toàn cầu” đã khuyến khích các nhà đầu cơ giá lên quay trở lại thị trường dầu - nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc FXTM phát biểu trên trang MarketWatch.

Ngoài ra, đồng USD trượt giá sau báo cáo việc làm ảm đạo của Mỹ cũng là một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này và tuần tới - ông Otunuga nhấn mạnh.

Báo cáo từ Bộ lao động Mỹ cho biết khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 266.000 công việc trong tháng 4, thay vì 978.000 công việc như dự báo của các nhà phân tích. Ngoài ra, số liệu việc làm mới trong tháng 3 cũng được điều chỉnh giảm còn 770.000 công việc, thay vì 916.000 công việc như báo cáo lần đầu.

Số liệu này làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thu hẹp chương trình mua tài sản hoặc sớm nâng lãi suất trở lại. Ngoài ra, thị trường việc làm còn yếu cũng là cơ sở để giới đầu tư thêm phần tin tưởng rằng Tổng thống Joe Biden có thể thuyết phục được lưỡng viện Quốc hội ủng hộ hai gói chi tiêu với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD dành cho hạ tầng và giáo dục.

Lãi suất vẫn thấp, tiền vẫn bơm vào thị trường, nền kinh tế duy trì đà hồi phục… tất cả những yếu tố này đang tạo ra một môi trường thuận lợi cho giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô. Trong tuần, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm hơn 1%, hỗ trợ thêm cho giá những tài sản này.

Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,3% còn giá dầu WTI tăng 2,1%. Trước đó, trong tháng 4, giá dầu Brent tăng 8% và giá dầu WTI tăng gần 10%.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

“Lạc quan về kinh tế mở cửa trở lại đang là nhân tố chi phối thị trường hàng hóa cơ bản. Các kim loại cơ bản và dầu thô đang là những đối tượng hưởng lợi chính”, nhà phân tích Sophie Griffiths thuộc Oanda nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn. “Càng có thêm những bằng chứng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giới đầu tư dầu càng lạc quan”.

Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phát đi những số liệu tích cực. Thống kê công bố tuần này cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4 của Trung Quốc cùng tăng mạnh hơn dự báo. Ở châu Âu, chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid đang được đẩy nhanh hơn.

Dù vậy, đà tăng của giá dầu bị cản lại khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt sức ép ngày càng lớn phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Nỗi lo về Ấn Độ là nguyên nhân khiến giá dầu Brent không vượt được mốc 70 USD/thùng trong tuần này.

Ngày 7/5 là ngày thứ ba liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm Covid mới mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 21,4 triệu ca. Giới chuyên gia dự báo làn sóng Covid ngoài sức tưởng tượng này ở Ấn Độ sẽ không sớm đạt đỉnh.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc liên minh OPEC+ nới sản lượng khai thác dầu trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 là một quyết định sai lầm.

“Liệu OPEC+ có tăng sản lượng quá nhiều và quá sớm? Đây là câu hỏi sẽ quyết định giá dầu sắp tới”, nhà phân tích Manish Raj thuộc Valandera Energy nói với MarketWatch.

Điệp Vũ -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gia-dau-tang-2-tuan-nay-nho-lac-quan-kinh-te-toan-cau.htm