Giá dầu lên 100 USD/thùng, Nga lại vướng lời nguyền dầu mỏ?

Nga đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên nhưng giá dầu đang liên tiếp tăng, có thể lên 100 USD/thùng.

Theo CNN, các nhà phân tích thuộc Bank of America hôm 10/5 nhận định, việc sản lượng dầu ở Venezuela giảm đi và sự gián đoạn trong xuất khẩu có thể xảy ra với Iran có nguy cơ đẩy giá dầu Brent lên cao đến 100 USD/thùng vào năm 2019.

Dầu tăng giá lên 100 USD/thùng, Nga thu hời lớn.

Ngay sau quyết định có phần không bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu đã đột ngột tăng vọt bởi nỗi lo nguồn cung thiếu hụt.

Các nhà đầu tư đang lo rằng nhiều biện pháp trừng phạt lên Iran, một nước sản xuất dầu lớn, có thể khiến nguồn cung gián đoạn. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York (Mỹ) đạt 70,61 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đạt 76,65 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Có thể nói gần như chắc chắn, xuất khẩu dầu của Iran sang thị trường châu Á và châu Âu sẽ giảm trong năm nay và năm tới, khi một số quốc gia tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế nhằm tránh gặp rắc rối với Mỹ và khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, Mỹ không mua dầu của Iran còn một số cường quốc khác ký thỏa thuận hạt nhân với Tehran - bao gồm Nga, Anh, Pháp và Đức hoặc là cả Trung Quốc, những quốc gia đã phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận - có thể sẽ tiếp tục mua dầu của nước này.

Ông Tomomichi Akuta, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Mitsubishi UFJ Research and Consulting ở Tokyo, phát biểu: "Có những lo ngại rằng xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm 1 triệu thùng mỗi ngày từ mức hiện nay.

Giá dầu có thể tăng thêm ít nhất 10 USD/thùng, trong đó giá dầu Brent sẽ hướng tới mốc 90 USD/thùng".

Các dự báo giá dầu tăng liên tiếp được đưa ra bất chấp khả năng nguồn cung trên thị trường có thể được bù đắp bởi các nhà cung cấp như Nga và OPEC.

CNBC thông tin, Arabia Saudi đã tuyên bố sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng trên thế giới nếu các lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ khiến thị trường thiếu nguồn cung.

Song, giới quan sát cho rằng, Saudi sẽ chỉ làm như vậy nếu kế hoạch này có Nga can thiệp và thế giới có thể sẽ phải chấp nhận mua dầu với giá cao hơn.

Ông Edward Morse, trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup cho biết: "Saudi Arabia vốn là một đối thủ lâu năm của Iran đã có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu xuất khẩu với Nga dưới các thỏa thuận của OPEC. Nếu Iran bị xử phạt, hai nước này sẽ "hiệp đồng tác chiến" để giữ các mục tiêu sản xuất sao cho giá dầu có thể tăng lên một mức phù hợp. Người Nga không thực sự thích giá dầu cao bởi đồng rúp được gắn với giá dầu".

Sẽ mất khoảng 6 tháng để hiệu lực của lệnh trừng phạt đối với Iran trở nên rõ ràng hơn, mặc dù các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Trump sẽ ngăn chặn việc kinh doanh với Iran ngay lập tức.

Trong bối cảnh đó, việc OPEC tiếp tục hợp tác với Nga sau năm 2018, cắt giảm sản lượng dầu để đẩy giá lên cao là điều dễ hiểu.

Người Nga muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trước sức hút giá dầu tăng nhanh sau thỏa thuận hạt nhân Iran?

Với giá dầu cao, nguồn lợi có được từ xuất khẩu dầu mỏ tiếp tục trở thành tiềm lực lớn của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi bắt đầu nhiệm kỳ mới đã ký một nghị định được thiết lập để làm cho nền kinh tế Nga ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông. Theo đó, doanh thu phi dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên 250 tỷ USD/năm.

Giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu dài hạn của Tổng thống Putin và cựu Tổng thống Medvedev. Tuy nhiên, trước bối cảnh giá dầu tăng lên như hiện nay, doanh thu từ mặt hàng truyền thống này khó có thể khiến người Nga nhớ tới mục tiêu giảm sự phụ thuộc kinh tế vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/gia-dau-len-100-usdthung-nga-lai-vuong-loi-nguyen-dau-mo-3357997/