Giá dầu lao dốc - nguồn gốc và triển vọng

Cuộc suy giảm giá dầu hiện nay chỉ là hiện tượng nhất thời. Giá dầu đang trong tiến trình tăng, theo chu kỳ giảm lãi suất cơ bản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Việc tăng - giảm giá dầu liên quan đến đồng đô la Mỹ.

Giá dầu có đợt sụt giảm mạnh nhất sau gần 5 năm

Khi mở cửa giao dịch sớm ngày 9/3/2020, giá dầu thô Brent giảm 30% xuống còn 31,02 USD/thùng. Dầu thô Trung cấp West Texas của Mỹ giảm 27% xuống còn 30 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Các nhà bình luận đua nhau tìm nguyên nhân ở dịch bệnh Covid-19 gây ra thừa cung, giảm cầu và đưa ra dự báo giá dầu có thể giảm xuống tới 20 USD/thùng.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng các nhân tố dịch bệnh hay cung cầu chỉ là những nhân tố có ảnh hưởng nhất thời. Ngay cả cung cầu cũng có thể điều tiết bằng giá cả. Nếu chỉ quan sát các chu kỳ tăng giảm giá dầu, người ta cũng thấy chúng trùng hợp với chu kỳ tăng giảm lãi suất của FED.

 Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đi sâu vào phân tích, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khẳng định giá dầu sẽ tăng, giảm 15% nếu giá trị của đồng USD giảm, tăng 1%. Chu kỳ tăng giảm giá đồng USD phụ thuộc vào chu kỳ tăng giảm lãi suất của FED. Vì thế, giá cả dầu lửa cũng nhảy múa theo vũ điệu lãi suất của FED. Nếu ta trừu tượng hóa yếu tố cung cầu, thì bức tranh giá cả sẽ bộc lộ rõ ràng hơn.

Chu kỳ tăng lãi suất 1981 - 1986: Sau khi bãi bỏ chế độ bản vị vàng (1971) theo cam kết tại Hiệp định Bretton Woods và khống chế được khối lượng đô la dầu lửa 1973), FED đã phát hành khối lượng lớn đồng USD với lãi suất thấp (2%), làm cho nó mất giá tới 50%.

Cuối năm 1974, giá dầu đã tăng gấp 4 lần lên 69 USD (theo thời giá 2006). Từ năm 1975 đến 1978: Giá dầu thế giới không biến động nhiều, giao động quanh mức từ 69 USD đến 78 USD/thùng. Đến 6/1981, giá dầu tăng lên đến lên 95 USD/thùng.

Vào tháng 6/1981, FED đã tăng lãi suất 20%. Giá dầu giảm xuống dưới 20 USD vào giữa năm 1986. Điều này góp phần làm phá sản công cuộc cải tổ của Liên Xô. Năm 1987, FED hạ lãi suất xuống mức 3%, giá dầu tăng mạnh từ năm 1988 đến 1990 đã đạt trên 80 USD/thùng, sau đó giảm xuống mức 60 USD năm 1994.

Chu kỳ tăng lãi suất 1994 - 1997: Đến năm 1994, FED đã tăng lãi suất lên gấp đôi: Từ 3% lên 6%/năm. Đến 1997, giá dầu liên tiếp giảm đến hết tháng 12/1998 và đứng ở mức 12 USD/thùng. Đến năm 1999, giá dầu cũng tăng lên trên 25USD/thùng.

Chu kỳ tăng lãi suất 2004 - 2007: Sau cuộc khủng hoảng châu Á, cùng với việc tăng phát hành tiền, sau 2001, FED giảm lãi xuất từ 6% xuống còn 1% và duy trì mức lãi suất đó khá dài khiến cho giá giá dầu tăng lên mức 40 - 50 USD/thùng vào năm 2004. Giá dầu tăng mạnh từ năm 2007 (đạt mức 139,12 USD/thùng vào ngày 6/6/2008 và mức đỉnh lịch sử của mọi thời đại là ngày 11/7/2008 giá dầu đạt 147,27USD/thùng).

Khai thác dầu thô tại Trung Đông. Ảnh: AFP

Chu kỳ tăng lãi suất 2016 - 2020: Sau khủng hoảng tài chính 2007, cùng với việc tăng khối lượng tiền phát hành lên 15% từ năm 2008, tức là 1,3 - 1,6 nghìn tỷ USD/năm, FED duy trì lãi suất cơ bản siêu thấp ở mức 0%. Phản ứng trước chính sách đồng USD yếu của Mỹ, các ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BoJ) và ngân hàng T.Ư châu Âu ( ECB) đồng loạt nới lỏng tiền tệ.

Tại Nhật Bản, ngày 8/4/2013, chính quyền Abe đưa ra chính sách “siêu nới lỏng” tiền tệ bằng việc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) bơm cơ số tiền tệ lưu thông trên thị trường với tốc độ hàng năm khoảng 60.000 - 70.000 tỷ yên (tương đương 583 - 680 tỷ USD, chiếm khoảng 13% - 15% GDP của Nhật Bản)…

Ở châu Âu, đầu tháng 9/2013, ECB đã công bố chương trình mua trái phiếu không giới hạn. Ngoài ra, cùng thời gian này, các ngân hàng T.Ư ở Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc và triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn để kích thích kinh tế mỗi nước trước sức ép suy giảm đang đè nặng lên mỗi nước... Những giải pháp này nhằm đối phó với chính sách đô la rẻ của Mỹ, nhưng lại làm giảm tốc độ lạm phát của Mỹ. FED đã tương kế tựu kế.

Một mặt, FED công bố kế hoạch tăng lãi suất, mặt khác vẫn bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, làm tăng số nợ của các quốc gia, trước khi tăng lãi suất cao để thu lời về Mỹ. Cũng chính vì vậy, lần tăng lãi suất này thế giới đã không thấy được sự nguy hiểm của nó mà đã phản ứng tích cực. Thực ra những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng lần này do tác động của chu kỳ tăng lãi suất của FED đã xuất hiện ở Venazuena, ở Brazin ở châu Âu...

USD ngày càng tác động mạnh lên giá dầu

Năm 2018, với quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 sau hai lần vào ngày 15/3/2017 và giữa tháng 12/2016, mức lãi suất tham chiếu của Mỹ tăng 0,25 điểm % lên từ 2 - 2,25%, mức độ quá thấp so với các chu kỳ khác là 6%. Vì vậy, giá dầu chỉ giảm nhẹ xuống dưới 40USD một thời gian ngắn.

Đến năm 2019, FED đã cắt giảm lãi suất xuống biên độ 1,5 - 1,75% vào tối 30/10/2019, sau hai lần vào ngày 31/7 và 18/9. Với quyết định này, mặc dù nhiều căng thẳng trong năm 2019 đã ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ như các biện pháp trừng phạt của Mỹ, căng thẳng ở vùng Vịnh, các cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác dầu ở Arab Saudi, thỏa thuận OPEC+... giá dầu thô không thay đổi quá lớn, theo EIA.

Khoảng cách giữa mức thấp nhất vào đầu tháng 1/2019 (55 USD/thùng Brent) và mức cao vào cuối tháng 4/2019 (75 USD/thùng) là khoảng 20 USD/thùng. Đây là mức chênh lệch thấp nhất kể từ năm 2003 (thời điểm giá dầu WTI đã dao động trong khoảng 47 - 66 USD/thùng).

Rõ ràng là, sự tăng, giảm giá dầu chịu tác động mạnh của giá cả đồng USD do giới tài phiệt Mỹ thao túng. Họ không chỉ thu lợi từ vệc chiếm đoạt giá trị kinh tế toàn cầu, mà còn xoay chuyển địa chính trị có lợi cho họ.

Cuộc giảm giá dầu những năm 80 của thế kỷ trước đã làm tan rã Liên Xô và khối Đông Âu. Cuộc tăng giá dầu những năm 2000 đã làm thiệt hại cho châu Âu hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Cuộc tăng giá dầu hiện nay nhằm gây thiệt hại cho Trung Quốc, cản trở đà soán ngôi đứng đầu thế giới của Mỹ.

Với cách thức tăng lãi suất nửa vời, giảm lãi suất ở mức độ nhẹ, FED muốn né tránh cuộc khủng hoảng tài chính, theo lịch trình sẽ diễn ra vào năm 2020. Giải pháp này của FED không hóa giải được nguy cơ mà chỉ tích lũy rủi ro cho cuộc khủng hoảng tiếp theo trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, giải pháp của FED đang thúc đẩy tăng giá dầu chứ không giảm giá dầu. Ngay sau cuộc giảm giá thảm hại vào ngày 9/3/2020, giá dầu lại tăng ngoạn mục: Đầu phiên giao dịch sáng 10/3 tại thời điểm 8 giờ 10 phút, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 9,4% và 6% lên lần lượt 36,6 USD/thùng và 33 USD/thùng. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng chứ không giảm.

Với cách thức tăng lãi suất nửa vời, giảm lãi suất ở mức độ nhẹ, FED muốn né tránh cuộc khủng hoảng tài chính, theo lịch trình sẽ diễn ra vào năm 2020. Song, thủ pháp này của FED không hóa giải được, mà chỉ tích lũy rủi ro cho cuộc khủng hoảng tiếp theo trầm trọng hơn.

TS. Hồ Văn Chiểu

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dau-lao-doc-nguon-goc-va-trien-vong-378388.html