Giá dầu khởi sắc nhưng rủi ro còn đó

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (gọi là OPEC+) tiến hành hội nghị trực tuyến hôm 6-6 để thảo luận về việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu, đồng thời thúc đẩy Iraq và Nigeria tuân thủ các quy định cắt giảm.

Các nguồn tin cho biết Ả Rập Saudi và Nga đã nhất trí duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu cao kỷ lục trong suốt tháng 7 dù Riyadh muốn kéo dài đến hết tháng 8 hoặc thậm chí là tháng 9. Trước đó, OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6 để vực dậy giá dầu đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Một cơ sở dầu ở TP Basra - Iraq. Ảnh: REUTERS

Một cơ sở dầu ở TP Basra - Iraq. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, việc gia hạn cắt giảm còn phụ thuộc sự tuân thủ của các thành viên bởi những nước sản xuất vượt hạn ngạch trong 2 tháng 5 và 6 phải bù lại bằng việc cắt giảm nhiều hơn trong những tháng tới. Iraq, một trong những nước không tuân thủ quy định cắt giảm hồi tháng 5, đã đồng ý cắt giảm bổ sung. Trong khi đó, Nigeria cam kết sẽ nỗ lực tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.

Giá dầu thế giới đã tăng trở lại trong 6 tuần qua khi các biện pháp hạn chế đi lại dần được nới lỏng và nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Hôm 5-6, giá dầu thô Brent lần đầu tiên tăng lên trên 42 USD/thùng kể từ đầu tháng 3. Các nhà đầu tư hiện quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra đối với sản lượng dầu trong tháng 8.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích tại Công ty Tài chính Oanda (Mỹ), dự báo sản lượng có thể tăng trở lại trong tháng 8. "Khi nhiều người rời khỏi nhà đi làm và các nước mở cửa lại biên giới, việc cắt giảm nguồn cung sẽ không phải kéo dài quá lâu để duy trì mức giá hiện tại" - ông Erlam nói với đài CNN. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rủi ro chờ đợi thị trường dầu phía trước. Đáng lo nhất là nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu vào thời điểm quan trọng.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-khoi-sac-nhung-rui-ro-con-do-20200606212412564.htm