Giá dầu kéo chứng khoán Mỹ chìm sâu

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đóng cửa giảm vào hôm qua, do chịu áp lực từ sự sụt giảm giá dầu. Theo đó, các chỉ số chính giảm hơn 3,5% trong tuần này, đánh dấu tuần thứ 2 giảm liên tiếp.

Sở giao dịch chứng khoán New York đã đóng cửa sớm vào lúc 1 giờ trưa (theo múi giờ Miền Đông), trong khi các thị trường tài chính khác cũng đóng cửa nghỉ sớm trong ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday), do đó khối lượng giao dịch tương đối thấp.

Các thị trường có 1 tuần chìm sâu

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 178,74 điểm, tương đương 0,7%, xuống 24.285,95 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 17,37 điểm, tương đương 0,7%, đóng cửa tại 2.632,56 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq thoái lui 33,27 điểm, tương đương 0,5% và kết phiên tại 6.938,98 điểm.

Tính chung cả tuần này, chỉ số Nasdaq đã chìm sâu 4,3%, chỉ số Dow rớt 4,4%, trong khi chỉ số S&P 500 cũng sụt giảm 3,8%.

Theo dữ liệu thống kê của Dow Jones Market Data, diễn biến trong tuần này của cả 3 chỉ số chính được xem là tuần lễ Tạ ơn tồi tệ nhất kể từ năm 2011.

S&P 500 hiện đã giảm 10,2% so với mức đóng cửa kỷ lục xác lập vào ngày 20/9/2018, qua đó xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh. Lần gần nhất S&P 500 bước vào giai đoạn điều chỉnh là vào đầu năm nay, sau khi leo lên mức cao kỷ lục hồi cuối tháng 1/2018 và sụt hơn 10% vào đầu tháng 2/2018. Giai đoạn điều chỉnh đó đã kéo dài 7 tháng, cho đến khi chỉ số này lập kỷ lục mới vào cuối tháng 8/2018.

Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào diễn biến của các vấn đề chính trị tại châu Âu, sau khi cả Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Năm đều thông báo tiến triển về việc phác thảo mối quan hệ tương lai giữa 2 bên sau khi Anh rời khỏi EU.

Tại châu Á, các thị trường lại đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng đã lan sang phía Mỹ, sau khi tờ The Wall Street Journal báo cáo rằng Chính phủ Mỹ đã cố gắng thuyết phục các đồng minh nước ngoài tránh sử dụng các thiết bị viễn thông từ công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc

Các báo cáo cũng nêu rõ những căng thẳng dai dẳng giữa Bắc Kinh và Washington, trong đó tập trung vào thuế quan và tuyên bố của chính quyền Trump về sự lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ và hành vi gián điệp rõ ràng của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhau tại Buenos Aires bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tuần tới.

Về thông tin tích cực, mùa mua sắm của kỳ nghỉ lễ dường như đã khởi đầu tốt, sau khi một báo cáo từ Adobe Analytics cho thấy doanh số mua sắm trực tuyến Lễ Tạ ơn tăng 28,6% so với năm ngoái. Dữ liệu này đã thúc đẩy giá cổ phiếu của một số nhà bán lẻ đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tích cực chi tiêu

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tích cực chi tiêu

Giá dầu và đồng USD ảnh hưởng đến thị trường

Thị trường con gấu (đang xuống dốc) của dầu thô tiếp tục xấu đi vào hôm qua, khi các nhà đầu tư phải vật lộn với sản lượng ngày càng tăng từ Mỹ, lời “khẩn cầu” của Tổng thống Donald Trump đối với các nhà sản xuất chính giữ giá thấp hơn, và dự trữ hàng tồn kho tăng, mặc dù gần đây lạnh giá tại nhiều khu vực đã làm tăng lượng dầu tiêu thụ.

Việc giá dầu giảm mạnh cũng đã gây áp lực lên các cổ phiếu năng lượng, khi 9 trong số 10 cổ phiếu lao dốc mạnh vào hôm qua. Nhóm cổ phiếu năng lượng đã giảm đến 3,3%, trong đó cổ phiếu của các công ty dầu khí lớn Chevron và Exxon Mobil lần lượt giảm 3,4% và 2,7%. Trong khi đó, giá dầu đã rớt 30% kể từ đầu tháng 10/2018.

Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, đà giảm điểm của cổ phiếu Apple và Amazon cũng gây áp lực lên S&P 500, nhấn mạnh đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ và internet.

Jeff Kravetz, giám đốc đầu tư khu vực tại U.S.Bank cho rằng trong khi giá dầu giảm khiến các nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, thì đồng đô la Mỹ tăng - kết quả từ sự sụt giảm của các thị trường nước ngoài, sẽ có tác động trực tiếp nhất đến thu nhập của các doanh nghiệp Mỹ thuộc chỉ số S&P 500.

Ông nói: "Sức mạnh của đồng đô la có thể là một cơn gió mạnh làm hạn chế thu nhập trong tương lai, bởi vì phần lớn doanh số bán hàng của các công ty S&P 500 có từ các thị trường nước ngoài”.

Karyn Cavanaugh, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Voya bình luận: “Đây là một ngày sụt giảm khác của thị trường, đang gây ra lo ngại. Thị trường tiếp tục lo lắng trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, và thêm việc giá dầu giảm hôm nay càng củng cố thêm nỗi sợ này”.

Cavanaugh nói: "Các nhà đầu tư đang lo lắng vì lần cuối cùng chúng tôi thấy dầu thực sự giảm mạnh là vào năm 2015. Chúng ta cũng đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại một cách nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, Cavanaugh cũng cho rằng tâm lý thị trường có thể sẽ giảm bớt sự tác động từ nỗi lo ngại về thực trạng nền kinh tế. Theo đó, giá các cổ phiếu có thể có một đợt phục hồi theo hiệu ứng “Santa Clause” trong ngắn hạn, nhất là khi doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ tiếp tục cho thấy rằng "người tiêu dùng đang tích cực chi tiêu”.

Những người mua sắm tại Mỹ đã xếp hàng dài ở quầy thanh toán tại các cửa hàng trong “Ngày thứ Sáu đen tối” (Black Friday) để mua các sản phẩm quần áo và đồ điện tử đang được giảm giá sâu, qua đó cho thấy bằng chứng về chi tiêu dùng mạnh hơn khi bắt đầu mùa nghỉ lễ.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) do Markit công bố giảm xuống 55,4 điểm trong tháng 11, mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

ĐỒNG AN

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm vào hôm qua, với chỉ số Shanghai của sàn Thượng Hải giảm 2,5%, trong khi chỉ số Shenzhen trên sàn Thâm Quyến chìm sâu 3,6%. Các thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm qua đóng cửa nghỉ lễ.

Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán cũng có diễn biến trái chiều, với chỉ số Stoxx Europe 600 nhích nhẹ 0,4%, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,1%.

Giá dầu thô tiếp tục tô đậm diễn biến suy yếu của tháng 11, khi hôm qua rớt mạnh 6%, trong khi giá vàng giảm nhẹ 0,4% và chỉ số USD Index tăng nhẹ 0,2%.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/gia-dau-keo-chung-khoan-my-chim-sau-18696.html