Giá dầu giảm mạnh nhất trong 6 tháng vì ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung

Giá 'vàng đen' tiếp tục đi xuống trong phiên 31/5 và đang trên đà chứng kiến mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2018.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên này do thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự báo và nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Giá dầu Brent sắp ghi nhận mức lao dốc tới 10% trong tháng 5 và giá dầu WTI cũng mất 13%, khoản lỗ hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu Brent giao dịch ở mức 65,72 USD/thùng, giảm 1,15 USD so với phiên trước đó.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 74 xu Mỹ, xuống còn 55,85 USD/thùng. Giá hai mặt hàng dầu này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/3 trong phiên giao dịch ngày 30/5

Báo cáo của Bernstein Energy nhận định: "Xung đột thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt là một mối rủi ro đối với thị trường dầu". Theo báo cáo này, trong trường hợp "một cuộc chiến thương mại toàn diện" xảy ra, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 0,7% trong năm nay, bằng một nửa so với mức tăng dự báo hiện nay.

 Giá dầu sắp chứng kiến tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 11/2018.

Giá dầu sắp chứng kiến tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 11/2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/5 tuyên bố Washington sẽ áp đặt mức thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico nhập khẩu vào thị trường Mỹ bắt đầu từ ngày 10/6 tới và biện pháp này sẽ kéo dài cho tới khi Mexico ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng "người di cư bất hợp pháp" sang Mỹ.

Động thái này đã làm gia tăng lo ngại về tác động lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Một số nhà phân tích nhận định tranh chấp thương mại mới nhất với Mexico cùn với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang nhiều khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

“Rõ ràng, quyết định này đang khiến các nhà đầu tư hoang mang, điều này đang gây thêm áp lực cho thị trường dầu mỏ”, PVM lưu ý khách hàng hôm 31/5.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát công bố ngày 31/5 cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm nhiều hơn dự báo.

Giá “vàng đen” cũng chịu tác động từ việc sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô của nước này giảm gần 300.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 900.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trong tuần trước đó, tồn kho dầu thô của Mỹ đạt mức 476,5 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2017. Tuy đã giảm trong tuần trước, tồn kho này vẫn đang cao hơn 5% so với mức trung bình 5 năm của thời điểm này hàng năm.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích dự đoán nguồn cung dầu trên thị trường thế giới sẽ siết chặt hơn, hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của giá dầu trong dài hạn. Kết quả cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 31/5 cho thấy, trong tháng 5, mặc dù nhà xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC Ả Rập Saudi đã tăng sản lượng nhưng không đủ bù đắp lượng dầu thiếu hụt tại Iran sau khi Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Tehran.

Theo khảo sát của Reuters, 14 thành viên OPEC đã bơm 30,17 triệu thùng dầu/ngày trong tháng này, giảm 60.000 thùng/ngày so với tháng 4 và ghi nhận mức sản lượng thấp nhất của tổ chức này kể từ năm 2015.

Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook hôm 30/5 tuyên bố Washington sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ nước nào vẫn tiếp tục mua dầu mỏ từ Iran sau khi lệnh miễn trừ trừng phạt hết hiệu lực từ ngày 2/ 5.

Cùng ngày, tờ Wall Street Journal hôm 30/5 nói rằng các nước, gồm Trung Quốc và Ấn Độ đã được miễn trừ vào tháng 11 để mua Iran, có thể tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ sau ngày 2/5 cho đến khi đạt được mức thỏa thuận./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dau-giam-manh-nhat-trong-6-thang-vi-anh-huong-cua-thuong-chien-my-trung-344519.html