Giá dầu giảm khi nỗi lo kinh tế đi xuống lớn dần

Thông tin từ phía Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người dự báo về khả năng kinh tế chững lại, tuy nhiên thông tin về thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) giúp giá dầu có lực đỡ.

Ảnh: GettyImages

Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu thô giao kỳ hạn giảm tuy nhiên vẫn đóng cửa trên mức thấp trong phiên bởi nhà đầu tư tính đến kỳ vọng của nhu cầu năng lượng. Thông tin từ phía Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người dự báo về khả năng kinh tế chững lại, tuy nhiên thông tin về thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) giúp giá dầu có lực đỡ.

Diễn biến của giá dầu trong tuần trước biến động theo buổi họp quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, được biết đến với cái tên OPEC +.

Chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng tại HIS Markit, ông Marshall Steeves, nhận xét: “Giá đầu đã tăng nhờ việc OPEC + đồng ý với việc hạ sản lượng xuống mức thấp mới. Tuy nhiên vẫn còn cần đến thời gian để biết được thực tế bao nhiêu dầu sẽ được rút khỏi thị trường. Saudi Arabia sẽ giữ tiếng nói chủ chốt bởi xét đến cam kết cắt giảm vượt quá kỳ vọng của họ”.

Tuy nhiên cũng đáng lo ngại khi mà sản lượng dầu ngoài OPEC vẫn tiếp tục tăng, sản lượng dầu tại Mỹ tăng kỷ lục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu thô ngọt nhẹ hợp đồng tương lai tháng 1/2020 giảm 18 cent tương đương 0,3% xuống 59,02USD/thùng, trong phiên đã có lúc giá dầu giao dịch ở mức 58,23USD/thùng. Tính đến cuối ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu tăng 7,3% và có phiên tăng mạnh nhất tính từ tuần kết thúc ngày 21/6/2019, theo Dow Jones Market Data.

Thị trường London, giá dầu Brent hợp đồng tương lai tháng 2/2020 giảm 14 cent tương đương 0,2% xuống 64,25USD/thùng. Trong tuần trước giá dầu tăng được 6,5%.

Trong phiên ngày thứ Hai, nhà đầu tư chờ đợi thông tin về chính sách tiền tệ từ buổi họp chính sách sắp tới của Fed và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhà đầu tư hy vọng có thêm manh mối về tình trạng của kinh tế toàn cầu cũng như triển vọng dài hạn của lãi suất.

Trong ngày thứ Hai, người ta đã biết thêm về tình trạng của đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trì hoãn áp thuế cao hơn với hàng Trung Quốc khi mà hai bên hướng đến thỏa thuận dài hạn.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại SlateStone Wealth, ông Robert Pavlik, nhận xét: “Hiện đang có quá nhiều bất ổn trước thời hạn ngày 15/12/2019”.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã tạm bỏ qua những nỗi lo về thuế quan nhằm tập trung vào “sức khỏe” của thị trường lao động Mỹ. Kinh tế Mỹ tạo ra 266 nghìn việc làm trong tháng 11/2019, mức tăng trưởng của việc làm Mỹ như vậy cao nhất tính từ tháng 1/2019, như vậy có thể thấy việc làm tại Mỹ vẫn tăng trưởng tốt bất chấp việc tăng trưởng kinh tế đã chững lại.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/gia-dau-giam-khi-noi-lo-kinh-te-di-xuong-lon-dan-3529778.html