Giá dầu gặp khó

Giá dầu thế giới đã giảm ở mức kỷ lục hơn 20% trong phiên giao dịch sáng 9-3, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991. 'Vàng đen' đã mất giá mạnh bởi cùng lúc đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác, dịch Covid-19 đe dọa các nền kinh tế, trong khi sản lượng dầu ở Mỹ tăng mạnh.

Giá dầu thế giới đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên đầu tháng 3 và triển vọng tăng giá tiếp tục u ám trong thời gian tới. Trong phiên giao dịch sáng 9-3, thị trường đã ghi nhận “mức lao dốc lịch sử” khi giá dầu thế giới giảm tới hơn 20%, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991. Nguyên nhân khiến “vàng đen” rớt giá mạnh là do OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Trước đó, vào hôm 6-3, OPEC đã đề xuất cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong sản lượng khai thác dầu để thích nghi với kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế đều bị suy yếu bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc họp kéo dài nhiều giờ ngày 6-3 đã không đạt kết quả như mong muốn bởi OPEC+ (trong đó có Nga) đã không thể tìm được tiếng nói chung về kế hoạch giảm sản lượng khai thác dầu. Các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ đã “đường ai nấy đi” sau cuộc họp diễn ra tại trụ sở của OPEC ở Viên (Áo) mà không đưa ra bình luận nào. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có nước nào trong OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.

Trong khi đó, ngay sau thất bại của cuộc họp nêu trên, A-rập Xê-út đã có động thái “thêm dầu vào lửa” là tuyên bố giảm giá dầu, khiến “vàng đen” thế giới rớt giá mạnh. Hôm 8-3, A-rập Xê-út thực hiện lần giảm giá bán dầu mạnh nhất trong 20 năm qua với giá dầu giao tháng 4 xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm khoảng bốn đến sáu USD/thùng, trong khi dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm bảy USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Arabia Light của Tập đoàn dầu mỏ Aramco (A-rập Xê-út) bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent.

Tuy nhiên, rào cản với giá dầu thế giới không chỉ từ OPEC+ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quyết định giảm sản lượng dầu, mà còn xuất phát từ tình trạng kinh tế thế giới ốm yếu vì dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” sụt giảm. Trong báo cáo về thị trường dầu mỏ thế giới vừa công bố, OPEC đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới trong năm 2020 xuống gần một phần năm so với mức dự báo ban đầu, do ảnh hưởng của sự bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 chỉ là 0,99 triệu thùng/ngày, giảm so với mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 1-2020.

Họa vô đơn chí với các nhà sản xuất dầu, trong bối cảnh OPEC+ chưa thể thống nhất phương án giảm sản lượng khai thác và nhu cầu tiêu thụ dầu giảm, nguồn cung dầu lại đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở Mỹ. Tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) công bố báo cáo cho biết sản lượng dầu thô hằng năm của nước này đã đạt mức kỷ lục mới là 12,23 triệu thùng/ngày trong năm 2019, cao hơn 11% so với mức năm 2018. Trước đó, báo cáo mới nhất về triển vọng năng lượng ngắn hạn dự báo rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng trong năm 2020 lên mức trung bình là 13,2 triệu thùng/ngày và 13,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Đáng chú ý là bất chấp việc giá dầu đi xuống, Mỹ dường như không quan tâm đến việc cắt giảm sản lượng khai thác. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Đ.Bru-in-lét-tơ mới đây khẳng định Mỹ “không hề nao núng” bởi những động thái bắt tay giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+. Trong khi đó, sau thất bại của cuộc họp OPEC+ hôm 6-3, ngay cả các thành viên OPEC cũng sẽ tăng sản lượng khai thác trong thời gian tới. Hãng tin Reuters vừa cho biết, A-rập Xê-út đã công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên hơn mức 10 triệu thùng/ngày ngay trong tháng 4.

Theo các nhà phân tích, với việc nhu cầu giảm, nguồn cung tăng và thị trường hiện thiếu vắng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, xem ra giá “vàng đen” còn trong xu hướng giảm trong dài hạn. Trong nhiều thập kỷ qua, dầu mỏ luôn được coi như “huyết mạch” của các nền kinh tế và giá dầu là một thước đo quan trọng của kinh tế thế giới. Bởi vậy, tương lai ảm đạm của giá dầu cũng là chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu còn u ám.

NGUYÊN KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43546102-gia-dau-gap-kho.html