Giá dầu: Đảo lộn và siêu chu kỳ mới?

Giá dầu đã đi qua thời kỳ đỉnh cao và 'vàng đen' đang dần đánh mất vị thế là hàng hóa chủ chốt chi phối các nền kinh tế trên toàn cầu.

Khủng hoảng Covid-19 có thể đã làm đảo lộn địa chính trị dầu mỏ một cách có hệ thống. (Nguồn: Titreshahr)

Khủng hoảng Covid-19 có thể đã làm đảo lộn địa chính trị dầu mỏ một cách có hệ thống. (Nguồn: Titreshahr)

Nhu cầu dầu mỏ đang ở mức thấp, giá cả bấp bênh, thiếu đầu tư về ngắn và trung hạn… là những yếu tố có thể làm đảo lộn cán cân sức mạnh địa chính trị về năng lượng. Trong khi sự “cất cánh” của năng lượng tái tạo và sự phát triển chín muồi của các công nghệ phi carbon bắt đầu làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Xem ra tác động của Covid-19 lên thị trường dầu mỏ còn kéo dài.

Chu kỳ giá mới bắt đầu?

Kể từ tháng 11/2020, giá dầu đã tăng 70% và có thời điểm chạm mức 70 USD/thùng vào tháng 3/2021. Giá dầu đã được dự báo có khả năng tăng lên, thậm chí vượt 100 USD/thùng - mức giá chưa từng đạt được kể từ năm 2014, khi các quốc gia trên toàn thế giới tập trung vực dậy nền kinh tế, đồng loạt tung ra các gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, sẽ kích thích nhu cầu dầu mỏ trong quá trình phục hồi.

Tất nhiên, cũng có nhiều lý do dẫn đến mức tăng mạnh này và mức tăng mạnh mẽ này đã củng cố dự đoán rằng, giá dầu sẽ còn đi lên khi đại dịch Covid-19 hoàn toàn bị đẩy lùi, đánh dấu sự khởi đầu của một siêu chu kỳ (supercycle) mới về giá.

Siêu chu kỳ hàng hóa là khoảng thời gian dài trong đó giá cả hàng hóa cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình trong xu hướng dài hạn. Siêu chu kỳ thường kéo dài hơn nhiều so với chu kỳ biến động lên xuống điển hình của nền kinh tế. Một siêu chu kỳ có thể kèo dài vài thập kỷ để đi từ đáy này sang đáy tiếp theo.

Người ta tính được năm siêu chu kỳ giá dầu đã diễn ra từ đầu thế kỷ XX đến nay. Ngoại trừ siêu chu kỳ tăng giá do OPEC chủ động kích hoạt, tất cả các siêu chu kỳ trong quá khứ đều bị tác động bởi nhu cầu tăng mạnh. Các giai đoạn công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, đẩy giá dầu vượt quá mức cân bằng dài hạn cho đến khi có nguồn cung mới có thể đáp ứng cầu ngày càng tăng trên thị trường.

Theo logic của lý thuyết siêu chu kỳ, các nguồn cung bổ sung sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để có thể đi vào khai thác. Đây chính là giai đoạn “quá độ” giá dầu sẽ tăng rất mạnh. Theo những người ủng hộ ý tưởng “một siêu chu kỳ mới đang bắt đầu”, nhu cầu tăng cao khiến nguy cơ mất cân bằng thị trường ngày càng lớn.

Trên thực tế, hầu hết các dự án dầu mỏ, bao gồm cả những nguồn khai thác đặc biệt như dầu cát của Canada, phải mất từ 3 đến 6 năm. Các dự án dầu đá phiến ở Mỹ yêu cầu thời gian ngắn hơn, nhưng tuổi thọ thường khá ngắn, khoảng 12-18 tháng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp "vàng đen" đã chứng kiến nhiều năm đầu tư định trệ và tình hình lại càng ảm đạm hơn sau khi dịch Covid-19 bùng phát, với khoảng 30% các dự án dầu khí đầu tư theo kế hoạch trên toàn thế giới bị hủy bỏ hoặc thu hẹp.

Những dấu hiệu trên dường như hướng đến kịch bản, một siêu chu kỳ mới đã được nhen nhóm hình thành, với giá dầu sẽ ngày càng cao trong những năm tới?

Kể từ tháng 11/2020, giá dầu đã tăng 70% và có thời điểm chạm mức 70 USD/thùng vào tháng 3/2021. Giá dầu đã được dự báo có khả năng tăng lên, thậm chí vượt 100 USD/thùng - mức giá chưa từng đạt được kể từ năm 2014.

Cú sốc địa chính trị dầu

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra một cú sốc đặc biệt lớn đối với các thị trường dầu mỏ năm 2020. Hạn chế đi lại và GDP thế giới sụt giảm 4,4% đã làm giảm 8,8% lượng dầu tiêu thụ trên thế giới. Đây là mức suy giảm chưa từng có trong 20 năm qua. Ngay cả trong khủng hoảng kinh tế năm 2008 và 2009, nhu cầu về dầu cũng chỉ giảm lần lượt 0,6% và 1%.

Cú sốc về cầu khiến giá dầu thế giới, vốn đã bấp bênh do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm năm 2019 và do áp lực về cơ cấu do năng lực sản xuất dầu dư thừa trên toàn cầu, giờ lại giảm thêm lần nữa. Cầu giảm kéo theo lượng dầu tồn kho lớn đến mức giá dầu trung bình trong năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2004.

Về phía nguồn cung, hiện nay chính sách kiểm soát sản lượng của OPEC+ đã làm giảm sản lượng dầu khoảng 8,7 triệu thùng/ngày. Một khi những thùng dầu này quay trở lại thị trường, đà tăng giá dựa vào nhu cầu cao sẽ mất đi động lực. Và với mức giá hiện tại, khả năng OPEC+ loại bỏ dần các hạn chế là rất cao, do tình hình tài chính của nhiều nhà sản xuất dầu mỏ đang rất khó khăn.

Nói cách khác, các giả định cơ bản của luận điểm siêu chu kỳ có vẻ chưa thực sự thuyết phục. Sự phục hồi của giá dầu trong những tuần gần đây có thể chỉ là một giai đoạn tăng giá đột biến trong siêu chu kỳ đã bắt đầu vào giữa những năm 1990 chứ không phải là sự khởi đầu của một siêu chu kỳ mới. Điều này cũng có thể hiểu là giá dầu đã đi qua thời kỳ đỉnh cao và "vàng đen" đang dần đánh mất vị thế là hàng hóa chủ chốt chi phối các nền kinh tế trên toàn cầu.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-dau-dao-lon-va-sieu-chu-ky-moi-141066.html