Giá dầu bùng nổ nhờ tin về vaccine phòng Covid-19

Cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 8% trong phiên đầu tuần, mạnh nhất kể từ tháng 6...

Một nhà máy lọc dầu ở Carson, California - Ảnh: Getty/CNBC.

Một nhà máy lọc dầu ở Carson, California - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng mạnh nhất hơn 5 tháng trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi hãng dược phẩm Pfizer công bố kết quả khả quan về thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,95 USD/thùng, tương đương tăng 7,48%, đạt 42,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 3,15 USD/thùng, tương đương tăng 8,48%, đạt 40,29 USD/thùng.

Ngoài tin tốt về vaccine, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi một tuyên bố từ Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Theo hãng tin Reuters, Saudi Arabia phát tín hiệu rằng OPEC và đồng minh, thường được gọi là nhóm OPEC+, có thể điều chỉnh thỏa thuận sản lượng.

Một đợt điều chỉnh ở thời điểm này đồng nghĩa với OPEC+ sẽ giảm sâu hơn nữa sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu. Giá "vàng đen" hiện đang chịu áp lực trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu giảm xuống trong mùa đông và làn sóng Covid-19 dâng cao tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi vaccine phòng bệnh có lẽ phải cần thêm một thời gian nữa mới được sử dụng trên diện rộng.

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đến nay đã vượt mốc 50 triệu người. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu, đang phong tỏa trở lại để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong một tuyên bố ngày thứ Hai, Pfizer nói rằng thử nghiệm cho thấy vaccine của hãng đạt tỷ lệ phòng Covid-19 lên tới 90%. Thông tin này mang lại cho thị trường dầu thô những tia hy vọng mới rằng bệnh dịch sẽ được đẩy lùi trong năm 2020, theo đó giúp nhu cầu tiêu thụ năng lượng khởi sắc.

"Giá dầu có phản ứng đặc biệt mạnh với thông tin về vaccine", ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, nhận xét. "Bệnh dịch khiến giao thông giảm sút, mà 80% nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới đến từ giao thông, nên tôi nghĩ đây là một phản ứng hoàn toàn logic".

Phiên này, nhiều nhà giao dịch còn mua dầu để đóng các trạng thái bán khống, khiến giá dầu càng tăng mạnh. Khối lượng giao dịch của dầu Brent và dầu WTI phiên này đạt tương ứng 148% và 139% so với phiên trước đó.

Theo thỏa thuận hạn chế sản lượng hiện tại của OPEC+, nhóm này đang giảm sản lượng 7,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói OPEC+ có thể điều chỉnh thỏa thuận để cân bằng thị trường.

Các thành viên chủ chốt của OPEC lo ngại rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden, có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran và Venezuela. Trong trường hợp đó, sản lượng dầu của hai nước này sẽ tăng, khiến OPEC+ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cân bằng cung-cầu dầu.

"Một chính quyền của ông Biden sẽ làm gia tăng khả năng về nguồn cung dầu lớn hơn từ Iran. Nhưng điều này sẽ không xảy ra ngay. Chúng tôi dự báo đó sẽ là kịch bản của cuối năm 2021 hoặc 2022", một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.

Diệp Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gia-dau-bung-no-nho-tin-ve-vaccine-phong-covid-19-20201110080402739.htm