Giá dầu biến động sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vừa nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ vào tháng tới. Giá dầu thế giới đã ngay lập tức có sự thay đổi. Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận, quyết định của OPEC+ vẫn chưa đủ để làm giảm nhiệt cơn sốt giá dầu thế giới hiện nay.

Theo tuyên bố được đưa ra tại hội nghị trực tuyến ngày 3/8, Bộ trưởng các nước thuộc OPEC+ đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ thêm 100.000 thùng/ngày từ tháng 9/2022. Đây là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mức tăng hàng trăm nghìn thùng vài tháng qua. Lý giải về quyết định này, OPEC+ cho biết họ lo ngại khả năng suy thoái tại Mỹ và lệnh phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu về dầu mỏ.

Ngay sau quyết định của OPEC, giá dầu thế giới đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Chốt phiên giao dịch 3/8, mỗi thùng dầu Brent giảm 3,7 USD về mức 96,78 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm tương tự, về 90,66 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ucraina.

Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận, quyết định mới nhất này của OPEC là chưa đủ để giảm nhiệt giá dầu leo thang suốt mấy tháng qua.

Giá dầu thế giới đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. (Ảnh minh họa: Emirates News Agency)

Giá dầu thế giới đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. (Ảnh minh họa: Emirates News Agency)

Trao đổi với báo giới, nhà phân tích Edward Moya tại sàn giao dịch OANDA đánh giá mức tăng thấp nhất trong lịch sử OPEC+ này sẽ không giúp ích được nhiều cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra. Chuyên gia này cho rằng giá dầu vẫn bị mắc kẹt quanh mốc 100 USD/thùng ngay cả khi suy thoái kinh tế toàn cầu tăng nhanh.

Bản thân các thành viên của OPEC+ cũng cho rằng, quyết định tăng này là chưa hợp lý. Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al-Ghais cho rằng, giá dầu giảm sau quyết định mới nhất của OPEC chỉ là tạm thời bởi nhu cầu dầu mỏ sẽ còn tiếp tục phục hồi. Điều này sẽ khiến giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Còn theo Kazakhstan, một thành viên của OPEC+, tổ chức này cần phải nâng thêm sản lượng dầu mỏ để hạ nhiệt thị trường đang quá nóng. Theo Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov, nước này mong muốn giá dầu ở mức 60-80 USD/thùng, song giá dầu hiện đã lên tới 100 USD/thùng.

Phản ứng về quyết định của OPEC+, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm qua cho biết, quyết định tăng sản lượng dầu lần này thấp hơn nhiều so với những lần tăng trước đó, nhất là trong bối cảnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa vận động Saudi Arabia tăng sản lượng để kiềm chế giá vàng đen ngày càng tăng vọt. Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ tập trung vào việc giảm giá dầu.

“Những gì chúng tôi đang tập trung là muốn giá dầu giữ ở mức giá thấp. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến sản lượng khai thác dầu tăng lên sau khi OPEC+ thông báo tăng sản lượng vào tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần phải giảm giá dầu trên thị trường và chúng tôi đang làm việc để thực hiện điều này” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.

Trong khi đó, phát biểu tại lễ ra mắt báo cáo thứ 3 của Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính do cuộc xung đột tại Ucraina, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu khí thu được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những người dân nghèo.

“Thật là vô đạo đức khi các công ty dầu khí đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục từ cuộc khủng hoảng năng lượng này trên đôi vai của những người và cộng đồng nghèo nhất, và một cái giá quá lớn về khí hậu. Tổng lợi nhuận của các công ty năng lượng lớn nhất trong quý đầu tiên của năm nay đạt gần 100 tỷ USD. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đánh thuế những khoản lợi nhuận quá mức này và sử dụng quỹ để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất vượt qua những giai đoạn khó khăn này. Và tôi cũng kêu gọi mọi người ở khắp mọi nơi gửi một thông điệp rõ ràng đến ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các nhà tài chính rằng chính lòng tham của họ đang gây thảm họa cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đồng thời phá hủy trái đất - ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói./.

Hồng Nhung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gia-dau-bien-dong-sau-quyet-dinh-tang-san-luong-cua-opec-post961119.vov