Giá dầu bật tăng sau khi EU lên kế hoạch cấm dầu Nga

Giá dầu thế giới tăng vọt sau thông tin Ủy ban châu Âu đề xuất lệnh cấm vận dầu Nga. Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ sụt giảm cũng góp phần làm tăng giá dầu.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 4/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thế giới đã tăng vọt trong vài giờ qua. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 4,47 USD/thùng, tương đương 4,21% so với 24 giờ trước đó, lên 109,37 USD/thùng. Giá đang áp sát ngưỡng 110 USD/thùng và vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu giảm.

Còn giá dầu WTI tăng 4,43 USD/thùng, tương đương 4,31% so với một ngày trước, lên 168 USD/thùng.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định thông tin về lệnh cấm vận dầu Nga của Ủy ban châu Âu và dự trữ dầu của Mỹ đã đẩy giá dầu lên cao. Nhưng cách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc vẫn là rào cản lớn đối với nhu cầu dầu.

Giá dầu Brent tăng vọt hơn 4% lên áp sát ngưỡng 110 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu Brent tăng vọt hơn 4% lên áp sát ngưỡng 110 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.

Lệnh cấm vận của EU

Ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích Thị trường tại Markets.com (có trụ sở ở London) - bình luận với Zing: "Rõ ràng là sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Bởi không phải tất cả thành viên đều ủng hộ kế hoạch này. Nhưng đề xuất này đã cho thấy rõ hướng đi của khối này".

Rõ ràng là sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Bởi không phải tất cả thành viên đều ủng hộ kế hoạch này. Nhưng đề xuất này đã cho thấy rõ hướng đi của khối này

Ông Neil Wilson, Trưởng bộ phận Phân tích Thị trường tại Markets.com

Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này đang lên kế hoạch cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với mọi loại dầu mỏ, bao gồm qua đường biển và ống dẫn, dầu thô và dầu tinh chế của Nga.

Thêm vào đó, theo ông Wilson, dữ liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/4. Con số này nhiều hơn mức dự báo 800.000 thùng của các chuyên gia được Reuters khảo sát.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng nóng lòng chờ đợi thông báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau cuộc họp ngày 4/5. Việc FED thu hẹp bảng cân đối kế toán và nâng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.

FED đặt mục tiêu lạm phát trung bình ở mức 2%. Cơ quan này đã bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. FED cũng báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác.

Áp lực từ phía cầu

Nhưng theo giới quan sát, giá dầu không tăng mạnh sau thông tin về lệnh cấm vận dầu Nga của EU, bởi về phía cầu, cách chống dịch của Trung Quốc vẫn đè nặng lên nhu cầu dầu trên thế giới.

Trung Quốc vẫn duy trì những lệnh cấm nghiêm ngặt ở Thượng Hải - trung tâm tài chính với 25 triệu dân, nơi có cảng biển bận rộn nhất thế giới. Thêm vào đó, vào cuối tuần trước, Bắc Kinh cũng đóng cửa các công viên giải trí và cấm ăn uống tại nhà hàng để kiểm soát Covid-19.

Hồi giữa tháng 4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022, sau khi Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới.

"Sau khi giá dầu tăng vọt bởi ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, các nước trên thế giới đã tìm cách giảm bớt áp lực trên thị trường dầu trong thời gian qua. Điều này phần nào giúp giá dầu sụt giảm. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ những lệnh phong tỏa của Trung Quốc", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nhận định với Zing.

IEA đã hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu trong năm nay 260.000 thùng/ngày. Cơ quan này thậm chí còn hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc trong tháng 4 tới 925.000 thùng/ngày.

Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc góp phần cân bằng áp lực cung - cầu trên thị trường dầu. Ảnh: Reuters.

Những yêu cầu chống dịch gắt gao đã làm gián đoạn các hoạt động di chuyển, sản xuất và vận tải tại đất nước 1,4 tỷ dân. Điều này đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn.

Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Chỉ số phụ đo lường hoạt động sản xuất tại nhà máy đã giảm mạnh từ 48,8 vào tháng 3 xuống còn 44,4 trong tháng 4. Theo ông Zhao Qinghe - quan chức cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số lao dốc mạnh do các nhà máy tạm dừng sản xuất để ngăn ngừa virus lây lan.

Nói với Zing, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley tại Asia Pacific OANDA (có trụ sở ở London) cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động theo diễn biến mới của các đòn trừng phạt giữa Nga và phương Tây, cũng như cách chống dịch và triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-bat-tang-sau-khi-eu-len-ke-hoach-cam-dau-nga-post1314368.html