Giá dầu - Ai cứu?

Giá dầu ở Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm không chỉ giáng đòn đau cho nền kinh tế nước này mà còn là biến động xấu cho thấy những nỗ lực gần đây của các nước là chưa thể đủ…

Diễn biến tồi tệ của giá dầu đã cho thấy thỏa thuận mới đây giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu mỏ chính trên thế giới-còn gọi là OPEC+, mặc dù được ca ngợi là thỏa thuận lịch sử nhưng lại không phải là cứu cánh cho giá dầu. Ngay cả dự báo cho rằng, mức cắt giảm sản lượng với quy mô chưa từng có (9,7 triệu thùng/ngày) theo thỏa thuận chỉ có thể ngăn chặn giá dầu giảm sâu hơn nữa, chứ không đủ để khiến giá dầu tăng trở lại, cũng trở nên không chính xác.

Nhưng dẫu sao, vào thời điểm giá dầu đe dọa chạm đáy ở Mỹ và cuộc chiến giá dầu giữa Nga với Saudi Arabia khiến giá dầu lao dốc như mất đà, thỏa thuận của OPEC+ vẫn tốt hơn cho tất cả các bên trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Song với nước Mỹ, thực tế không hẳn lạc quan như vậy. Giờ người ta càng hiểu rõ vì sao, khi đó, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này chưa hoàn toàn hài lòng với thỏa thuận, mặc dù nó được Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng đánh giá tích cực. Khi giá dầu không phải chạm đáy như dự đoán, mà lao thẳng xuống mức âm, nước Mỹ trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng giá dầu. Trước đó, một số hãng sản xuất dầu của Mỹ đã nộp đơn phá sản. Giờ đây, tình hình còn tồi tệ hơn khi nhiều công ty sẵn sàng trả thêm tiền cho người mua để “tống khứ” được bớt dầu đi. Làm như vậy dù sao vẫn còn tốt hơn là phải ngừng hẳn sản xuất, hay tìm chỗ chứa với chi phí đắt đỏ.

 Giá nhiên liệu liên tục sụt giảm ở Mỹ. Ảnh: USA Today.

Giá nhiên liệu liên tục sụt giảm ở Mỹ. Ảnh: USA Today.

Nên nhớ rằng, khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette, người hiểu rõ hơn ai hết điều tồi tệ gì đang xảy ra với ngành năng lượng Mỹ đã tỏ ra vô cùng thất vọng với thỏa thuận. Vì thực tế, Mỹ mong muốn mức cắt giảm cao hơn 9,7 triệu thùng, có thông tin nói rằng, Mỹ muốn cắt giảm 20 triệu thùng/ngày và thỏa thuận phải có hiệu lực ngay lập tức. Nhưng ở vào thời điểm đó, khi một loạt công ty dầu đá phiến ở Mỹ đâm đơn phá sản, Mỹ buộc phải chấp nhận thỏa thuận nếu không muốn có thêm hàng chục công ty nữa cùng chịu chung số phận.

Hơn nữa, Mỹ cũng không thể thi hành chính sách áp thuế đối với dầu nhập khẩu, bởi nếu vậy, tình hình sẽ càng tệ hại hơn. Tuy là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng Mỹ vẫn phải nhập khẩu dầu nặng và cả dầu ngọt nhẹ cho các nhà máy lọc dầu cao cấp sản xuất cao su nhân tạo, chất dẻo, lưu huỳnh, hóa chất, nhựa đường và nhiều chế phẩm khác từ dầu nặng.

Thực ra, Mỹ khó có lựa chọn nào khác vì không thể gây thêm áp lực để các nước giảm thêm sản lượng dầu, thậm chí, một số động thái của Washington đã góp phần thúc đẩy thỏa thuận OPEC+. Chính nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới như Mỹ (nhưng không bị ràng buộc phải cắt giảm) lại tuyên bố một mức giảm mang tính tượng trưng, không phù hợp trong bối cảnh giá dầu cần “giải cứu”. Bởi lẽ, mức giảm gần 2 triệu thùng/ngày từ nay đến cuối năm 2020 mà Bộ trưởng Dan Brouillette tuyên bố, trên thực tế lại chính là mức cắt giảm hiện nay của ngành dầu mỏ Mỹ.

Nếu thực sự để cứu giá dầu đang trượt dốc thì mỗi quốc gia sản xuất dầu đều phải giảm hơn mức mình đang giảm. Nhưng trên thực tế, điều đó không diễn ra. Dường như các nước này đều có chung một suy nghĩ “tại sao chúng ta phải cắt giảm sản lượng, trong khi người khác thì không?”. Có lẽ đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu đáng kể cho ngân sách khi cắt giảm sản lượng dầu, bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải thận trọng.

Hệ quả là mức cắt giảm đạt được cuối cùng của OPEC+ thấp hơn nhiều mức kỳ vọng của thị trường để cứu giá dầu là giảm từ 12 đến 15 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày được cho là chả thấm vào đâu trước nhu cầu dầu mỏ sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Có nhà phân tích cho rằng, mức cắt giảm phải đạt 20 triệu thùng/ngày và duy trì tới cuối năm thì mới có thể bảo đảm giá dầu tăng trở lại.

Hơn nữa, trước khả năng đại dịch còn kéo dài thêm nhiều tháng, nhu cầu dầu mỏ khó có thể tăng trở lại vì nhiều nước cân nhắc nới thêm thời hạn giãn cách xã hội bằng các biện pháp phong tỏa, cấm bay, yêu cầu người dân ở nhà… Kể cả khi có một giải pháp cấp bách được áp dụng ngay bây giờ với sự đồng thuận của các nước thì giá dầu vẫn khó mà tăng, một khi các kho chứa vẫn đầy ắp dầu. Trong 2-3 tháng qua, mỗi ngày lại có khoảng 30 triệu thùng dầu phải cất vào kho chứa vì ế ẩm. Các chuyên gia dự báo, kể cả khi nhu cầu hồi phục về mức trước đại dịch, thế giới cũng sẽ phải mất một thời gian dài mới tiêu thụ hết số dự trữ đó.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/gia-dau-ai-cuu-616013