Giá dầu 100 đô la/thùng tác động đến kinh tế toàn cầu ra sao?

Giá dầu thô trên thị trường đang tăng mạnh và có thể quay trở lại mốc 100 đô la/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2011. Ở mức giá này, dầu sẽ tạo ra 'kẻ thắng' và 'người thua' nhưng sẽ không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung trên toàn cầu.

Hai công ty giao dịch hàng hóa năng lượng Mercuria Energy Group và Trafigura Group dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 100 đô la/thùng trong vài tháng tới. Ảnh: Bloomberg

Giá dầu tăng mạnh sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng như nguồn thu của các tập đoàn dầu khí nhưng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí nhập khẩu cho các nước tiêu thụ nhiều dầu, dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao.

Song tin tốt là theo Bloomberg Economics, bộ phận nghiên cứu của hãng tin Bloomberg, giá dầu ở mức 100 đô la/thùng không tác động lớn đến tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 so với thời điểm năm 2011. Điều này một phần là vì nhiều nền kinh tế đang giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng và trữ lượng dầu đá phiến dồi dào ở Mỹ, tạo ra một vùng đệm tốt cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu tăng chưa hẳn đã xấu nếu như lý do tăng giá là nhờ nhu cầu tăng mạnh, cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng lên 100 đô la/thùng do nguồn cung bị thắt chặt, đó là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, giá dầu đang tăng bởi cả hai lý do nói trên. Trong phiên giao dịch chiều ngày 1-10 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent trên thị trường London quanh quẩn mức 83 đô la/thùng, tăng 22% so với hồi đầu năm và cũng là mức cao nhất trong bốn năm qua.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trum quyết định tái trừng phạt Iran đã khiến sản lượng dầu xuất khẩu của nước này suy giảm nhanh trong thời gian qua. Khi Mỹ chính thức áp đặt lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ Iran vào đầu tháng 11 tới, sản lượng dầu Iran có thể sụt giảm đến 1,5 triệu thùng/ngày.

Dù Tổng thống Trump đang gây sức ép để buộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu, công suất dầu dự phòng của tổ chức này chỉ còn ở mức hạn chế. Ngoài ra, nguồn cung dầu từ các nước như Venezuela, Libya và Nigeria đang mất ổn định do suy sụp kinh tế hoặc nội chiến. Điều này khiến các lãnh đạo ở Công ty giao dịch hàng hóa năng lượng Mercuria Energy Group và Công ty giao dịch hàng hóa kim loại và năng lượng Trafigura Group dự báo, giá dầu Brent có thể tăng lên mức 100 đô la/thùng vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019.

Kinh tế toàn cầu bị tác động thế nào?

Giá dầu tăng sẽ gây tổn thương cho thu nhập của các hộ gia đình và sức chi tiêu của họ, có thể khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ nhưng mức tác động khác nhau ở mỗi nơi. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu dễ tổn thương hơn nếu giá dầu lên mức 100 đô la/thùng vì nhiều nước ở khu vực này phải nhập khẩu dầu. Nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng bị ảnh hưởng vì lạm phát sẽ tăng cao do giá dầu tăng. Trong khi đó, một số nước đã tìm cách giảm tiêu thụ dầu, chẳng hạn Indonesia đã ban hành các biện pháp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.

Các nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế toàn cầu chỉ bị tác động mạnh nếu giá dầu neo ở mức trên 100 đô la/thùng trong một thời gian dài. Nghiên cứu của Bloomberg Economics cho thấy, giá dầu ở mức 100 đô la/thùng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng mức độ tác động không lớn như năm 2011. “Cuộc cách mạng dầu đá phiến, cường độ sử dụng năng lượng để tạo ra một đơn vị GDP thấp hơn và giá cả nói chung trong nền kinh tế cao hơn đồng nghĩa với việc tác động của giá dầu ở mức 100 đô la/thùng sẽ nhỏ hơn trước đây”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics viết trong một báo cáo gần đây. Báo cáo cho rằng nền kinh tế toàn cầu chỉ bị tác động lớn thực sự nếu giá dầu neo ở mức trên 100 đô la/thùng.

Ai “thắng”, ai “thua” khi giá dầu tăng?

Nếu giá dầu trở lại mốc 100 đô la/thùng, Saudi Arabia sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất vì nguồn thu ròng từ dầu mỏ đóng góp gần 21% GDP của nước này vào năm 2016, gấp đôi so với Nga. Các nước được hưởng lợi lớn khác có thể bao gồm Nigeria và Colombia. Nguồn thu từ dầu mỏ tăng giúp tình hình ngân sách của các nước này được cải thiện, cho phép họ đẩy mạnh chi tiêu, thúc đẩy đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng.

Những nền kinh tế chịu thiệt hại khi giá dầu tăng bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ukraine vì nhu cầu năng lượng của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Việc phải chi trả nhiều hơn để nhập khẩu dầu sẽ gây áp lực cho cán cân tài khoản vãng lai, khiến các nền kinh tế này dễ tổn thương trước xu hướng Mỹ liên tục nâng lãi suất cơ bản của đồng đô la.

Nền kinh tế Mỹ sẽ ra sao?

Giá dầu tăng không gây rủi ro nhiều cho nền kinh tế Mỹ như trước đây nhờ sản lượng dầu đá phiến ở nước này đang tăng bùng nổ. Theo tính toán trước đây của các nhà kinh tế, giá dầu tăng thêm 10 đô la mỗi thùng sẽ khiến GDP của Mỹ bị mất 0,3 điểm phần trăm vào năm sau đó. Song theo các tính toán hiện nay, bao gồm một phân tích của nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics, một đơn vị thành viên của hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s, mức thiệt hại GDP của Mỹ chỉ khoảng 0,1 điểm phần trăm cho mỗi 10 đô la Mỹ tăng lên ở giá dầu.

Lạm phát ở nhiều nước sẽ tăng?

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279506/gia-dau-100-do-lathung-tac-dong-den-kinh-te-toan-cau-ra-sao.html