Giá đắt vì bỏ nghề thợ may đi buôn ma túy

Trong suốt buổi nói chuyện, Lộc Quang Thượng, SN 1975 ở Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) luôn nhắc đến hai từ 'giá như', tỏ vẻ đầy tiếc nuối. Cái nghề thợ may không giàu nhưng đủ để trong túi Thượng lúc nào cũng có tiền. Thế mà anh ta lại nghe lời xui của bạn bè đi xách ma túy...

20 năm tù cho một lần tham

Lần tham ấy không khiến Thượng mất mạng nhưng phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. Hiện Thượng đang thi hành bản án tại trại giam Thanh Phong. Lúc mới gặp, Thượng còn ngần ngại, không muốn nói chuyện vì “việc mình làm xấu hổ chứ vui vẻ gì đâu mà phải khoe, đi tù thì phải chịu thôi”. Nhưng chỉ im lặng được một lúc thì anh ta lại vanh vách kể chuyện như thể đang có nhu cầu cần chia sẻ. Thượng bảo trách bản thân đang làm ăn yên ổn thì bỗng nhiên dở chứng để đứa con phải liên luy.

Theo lời kể của Thượng thì anh ta là con trai út nhưng cũng là độc nhất trong gia đình có 5 chị gái. Nhà đông phụ nữ có nhiều đôi tay dệt vải, thêu thùa nên Thượng trở thành người chuyên đưa sản phẩm chị em trong nhà làm ra, đi các chợ bán. 20 tuổi Thượng lấy vợ và hai năm sau thì vợ chồng Thượng có con. Cuộc sống đang ấm êm hạnh phúc thì vợ Thượng qua đời trong một cơn bạo bệnh. Thương con còn nhỏ, Thượng ở vậy nuôi con một mình. “Tôi không muốn lấy vợ một phần vì sợ người ta không thương con mình, phần nữa cũng không muốn rầy rà vào chuyện vợ nọ con kia chứ cái nghề đi chợ bán hàng của tôi cũng được nhiều cô để ý lắm”, Thượng kể.

Hỏi tại sao lại dính vào ma túy, Thượng vò đầu vẻ khổ sở: “Tôi không đói, không túng thiếu nhưng chết vì tham ”.

Theo lời kể của Thượng thì ngày còn làm anh thợ may, buôn hàng vải vóc, anh ta luôn bị bạn bè công kích vì cho rằng đó là nghề của đàn bà không hợp với đàn ông. Thế nên anh ta trở thành đề tài bị công kích mỗi khi đến dự những cuộc cúng giỗ, ma chay, cưới xin. Nhiều người còn chế nhạo Thượng, cho rằng công việc của anh ta là nhặt nhạnh tủn mủn và rất “đàn bà”. Thượng không tranh cãi vì nghĩ việc ai đó làm, chẳng liên quan gì. Thế nhưng sống đâu cũng phải có bạn và lời rủ rê của người hàng xóm giàu có đã khiến Thượng mềm lòng nghe theo. Bước vào con đường ma túy, với Thượng đơn giản chỉ có thế. “Chuyến đầu vì sợ nên tôi chỉ mua ít ma túy nhưng tiền lãi đúng là gấp nhiều lần đi chợ, thế là tôi ham, bán cả máy khâu gom tiền đi buôn với anh ta”, Thượng kể.

Theo lời Thượng thì mặc dù không còn làm nghề may nữa nhưng để che giấu việc làm ăn phi pháp, Thượng vẫn đều đặn mang hàng thổ cẩm mà các chị trong nhà làm ra, đi chợ bán. Và xen kẽ trong những chuyến hàng đó là những lần Thượng vận chuyển ma túy về bán. Ban đầu Thượng có ý định kiếm đủ tiền mở một xưởng may với khảng 4-5 cái máy khâu cho người nhà sử dụng nhưng lợi nhuận đã khiến anh ta từ bỏ ý định đó. Đến ngày 6-1-2012, Thượng bị bắt khi đang vận chuyển 1 bánh heroin ra biên giới. Bị kết án 20 năm tù, Thượng mới giật mình tiếc nuối. “Giá như ngày ấy tôi biết dừng lại có khi không phải đi tù, gia đình cũng không phải khổ như bây giờ”, Thượng bộc bạch. Anh ta không hiểu rằng đã dính vào ma túy thì đâu dễ bỏ và càng không dễ trốn tội cho dù chỉ một lần nhúng chàm.

Các phạm nhân nam trại giam Thanh Phong đang cải tạo lao động.

Các phạm nhân nam trại giam Thanh Phong đang cải tạo lao động.

Chăm viết thư về cho con

Cố kéo chiếc mũ sụp xuống hòng che khuất khuôn mặt, Thượng bảo trò chuyện có thể được chứ không thích chụp ảnh đâu vì đang buồn chuyện gia đình, khó mà cười lắm. Con trai Thượng đã ngoài đôi mươi, lấy vợ hai năm nay. Thượng buồn và luôn có cảm giác áy náy vì ngày vui của con không có mặt. Thượng bảo rất thương đứa con thiệt thòi vì sớm mất mẹ và đang lo không biết sau này sẽ làm gì để bù đắp cho con.

“Tôi vào trại cũng mấy năm rồi, đã hai lần được xét giảm án. Thời gian cải tạo cũng còn nhiều nhưng nếu năm nào cũng cố gắng để được xét giảm thì cũng sớm hết án thôi. Chỉ lo lúc đó mãn hạn, không biết phải làm gì”, Thượng tâm sự. Người đàn ông này cho rằng nếu chỉ để kiếm tiền nuôi thân thì không sợ nhưng để bù đắp những thiệt thòi đã gây ra cho con trai thì phải cân nhắc, tính toán.

Ngày nhận thư gia đình thông báo bố mất, Thượng vật vã khóc vì ân hận. Thượng cứ tự dằn vặt, cho rằng chính tội lỗi của mình khiến bố mẹ phiền lòng mà mang tâm bệnh. Đã có lúc vì chán nản, Thượng muốn bỏ trốn. Nhưng rồi những động viên của bạn bè và nhất là những lần được cán bộ gọi lên trò chuyện, động viên đã khiến Thượng lấy lại được thăng bằng. Thượng bảo ở trại giam, việc gì anh ta cũng học và làm được, mỗi việc phải không nghĩ là thấy khó quá.

Ngày ở nhà cũng biết may vá nên khi vào trại, được về đội may quần áo phạm nhân, Thượng làm rất tốt. Rồi khi chuyển sang đội mây tre đan, nam phạm nhân này cũng làm rất giỏi. Trai vùng cao từ nhỏ đã tiếp xúc với cây rừng, cung tên nên ai cũng biết đan lù cởi để gùi vật dụng. Thượng bảo đan mây, tre là sở trường của anh ta nên ngày nào cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu còn giúp cán bộ chỉ bảo cho những phạm nhân khác trong việc đan lát và chẻ nan. Giờ thì Thượng đang lao động ở đội làm đá mỹ nghệ. Chia sẻ về công việc của mình, Thượng bảo ngày đầu học nghề thì khó vì chưa quen chứ vài ngày quen rồi lại thấy thích.

Ngẫm nghĩ về lỗi lầm của mình, Thượng rất ân hận vì đã làm liên lụy tới con cháu. Thượng lên chức ông khi 42 tuổi và hiện giờ đã là ông của hai đứa cháu. “Tôi chẳng có gì cho con cháu nên chỉ biết chăm viết thư về động viên chúng nó. Tôi khuyên con cố gắng làm ăn và đừng bao giờ vấp phải sai lầm mà tôi đã vướng phải”, Thượng kể.

Do cải tạo xa nhà nên từ ngày đi tù đến nay, Thượng mới duy nhất một lần gặp người thân. Lần đó, con trai Thượng xuống, đem cả người yêu theo để thông báo việc lấy vợ. Hai năm nay, có lẽ vì vướng bận chuyện gia đình và con cái còn nhỏ nên con trai Thượng chưa xuống thăm bố lần nào mà chủ yếu liên lạc với nhau qua điện thoại do Thượng được gọi về hàng tháng và qua thư từ. Thượng bảo không buồn vì chuyện đó mà cảm thấy thương con nhiều hơn.

Năm nào cũng được xét giảm án, Lộc Quang Thượng đang cố gắng để có cơ hội sớm trở về với gia đình.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gia-dat-vi-bo-nghe-tho-may-di-buon-ma-tuy-166906.html