Giá đất còn bất cập, không sát với thị trường

Ngày 27-5, ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Trong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất...

Cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời

Sau đó, qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát, nhận định nội dung báo cáo rõ ràng, chi tiết, đánh giá cao Đoàn giám sát trong thời gian ngắn đã hoàn thành việc giám sát để giải trình trước Quốc hội.

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề giá đất và cho rằng, chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai. Theo đó, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất....

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong báo cáo mới chỉ đề cập đến bất cập là giá đất có thể được xác định chưa phù hợp với thị trường. Theo đại biểu, còn tồn tại nhiều bất cập khác như: Bất cập về khung giá đất do Chính phủ ban hành, một số nơi đã áp dụng giá đất tối đa theo khung giá đất song lại chưa sát với thị trường; bất cập về giá đất tại khu vực ráp gianh giữa các khu vực trong tỉnh, thành hoặc giữa các tỉnh, thành với nhau, giữa các đơn vị hành chính trong các tỉnh, thành phố có sự chênh lệch rất lớn... “Những hạn chế, bất cập về chính sách đất đai nêu trên chính là nguyên nhân dẫn đến sự khiếu nại của người dân có đất thu hồi”, đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến việc các doanh nghiệp được nhà nước giao đất, cho thuê đất, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết, cử tri mong muốn và vui mừng trước việc này bởi đã tạo các dự án lan tỏa, dẫn dắt, động lực thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân trong vùng...Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, điều đáng suy ngẫm là thực trạng hiện nay, nhiều tỷ phú từ đất, ôm nhiều quỹ "đất vàng", "đất kim cương" tại các đô thị và các khu đất tương lai là đô thị. Đồng thời, cũng thâu tóm hàng nghìn ha đất màu mỡ khác chờ thời, các dự án này cũng có thể là tài sản thế chấp vay ngân hàng, mà thực chất giá trị từ đất.

"Việc giao đất, cho thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật", đại biểu nhận định và băn khoăn rằng: Có hay không lợi ích nhóm, sân sau, lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, lợi dụng cơ chế "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong định giá đất, quyết định giá đất, làm thiệt hại lớn đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân; tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp có tâm, có tầm, có chí. Cũng chính những tồn tại trên làm phát sinh khiếu nại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh – trật tự, được minh chứng bởi nhiều vụ án đưa ra xét xử, các kết luận xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Quốc hội.

Cùng mối quan tâm đến giá đất, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, một thực trạng bất cập hiện nay là giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách không sát với thị trường, làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách... Đại biểu thừa nhận, đúng là có khó khăn trong việc xác định khung giá đất của Chính phủ và việc xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà báo cáo giám sát đã nêu đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể, phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.

Đại biểu nhấn mạnh, đất đai là của nhân dân, nhân dân đã trao quyền đại diện chủ sở hữu cho Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân, người được Hiến pháp trao cho quyền sở hữu đất đai. “Không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai”, đại biểu nêu rõ.

Vẫn còn biểu hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ

Từ thực tiễn và ý kiến của cử tri, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn biểu hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, "chạy theo", bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

Đại biểu dẫn chứng: Theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: Giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị thấp... “Đây là điều đáng suy nghĩ, đã và đang gây ra hệ lụy, tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho mọi người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện… ngày càng tăng. Trước mắt là ở thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai”, đại biểu tỉnh Gia Lai phân tích.

Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu nhấn mạnh: Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện là làm nát quy hoạch, gây nát vốn, đội vốn, làm chậm tiến độ, làm lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo thắt chặt việc quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng những hiện tượng nêu trên.

Đánh giá đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời gắn bó chặt chẽ, mật thiết đến đời sống của nhân dân, nhưng đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, qua nhiều nội dung trong báo cáo, đã chỉ ra một vấn đề rất lớn, đó là việc quản lý, sử dụng nguồn lực này còn rất lãng phí; nhiều dự án treo, chiếm dụng đất.. vừa gây lãng phí cả vô hình, hữu hình và quan trọng hơn là mất đi những cơ hội đầu tư phát triển đáng tiếc.

Bên cạnh đó, theo đại biểu tỉnh Bình Định, nguồn lực về đất đô thị vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng mức, chưa được khai thác và phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Ở nhiều nơi vẫn còn một quỹ đất hoặc sử dụng không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác, hoặc để hoang hóa, sử dụng sai mục đích… Bên cạnh đó, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp....

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên phạm vi cả nước, gắn với triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đối với những trường hợp đang làm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên này thì kiến nghị cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp chấn chỉnh để đảm bảo bảo vệ, quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên vốn là hữu hạn này.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/gia-dat-con-bat-cap-khong-sat-voi-thi-truong-575117