Giá cước thay đổi hơn… thời tiết

Ngày 7-2 (mồng 3 Tết), gia đình chị Minh gọi xe GrabCar đi chúc Tết ông bà. Chị không tin vào mắt mình khi thấy quãng đường từ Hoàng Cầu sang Khu đô thị Việt Hưng, ngày bình thường khoảng 110 nghìn đồng, nay vọt lên 248 nghìn đồng. Chị đành tặc lưỡi: Thôi thì ngày Tết! Nhưng nào đâu đã xong.

Chuyện thị trường

Ứng dụng quay mòng mòng hồi lâu mới có một lái xe ở đường Lê Văn Lương nhận cuốc. Chờ gần 20 phút sau, xe mới đến. Xuống xe, chị đưa 300 nghìn, nói "lì xì Tết" thêm 50 nghìn đồng. Tuy anh lái xe cảm ơn, song nét mặt lại rất lầm lì, ra vẻ như số tiền đó không đáng gì trong ngày Tết, khiến chị Minh cũng cảm thấy kém vui.

Cũng như chị Minh, nhiều người sử dụng ứng dụng gọi xe Grab tỏ ý bực bội khi thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ của Grab ngày càng xuống dốc. Trước đây, khi mới tham gia thị trường, Grab liên tục tung ra khuyến mại cho khách và thưởng chuyến để tăng thu nhập cho lái xe, nhưng sau này, khi thâu tóm được Uber, giữ vị thế độc quyền "một mình một chợ", khách hàng đã cảm nhận giá cước bị đẩy lên, cùng với đó là chất lượng ngày càng giảm sút.

Trong những ngày mùa đông rét mướt, hoặc có mưa, giá cước của Grab nhảy múa như "lên đồng". Các ứng dụng đặt xe quá tải, giá cước có chuyến tăng gấp ba lần so ngày thường. Tại những khu vực trung tâm, việc gọi xe có vẻ còn dễ dàng, những nơi hơi xa một chút, ứng dụng luôn báo trong tình trạng quá tải. Nhiều chuyến lái xe đã nhận khách nhưng ngay sau đó lại liên hệ nhờ hủy với những lý do rất lãng xẹt. Mặc dù mức tăng được Grab thông báo trước, khách hàng vẫn tỏ ra không hài lòng do không biết dựa vào cơ sở nào để tăng giá như vậy.

Chính vì thế, một số ứng dụng gọi xe đã dựa vào điểm yếu điều chỉnh giá cước giờ cao điểm vô tội vạ này của Grab làm ưu thế cạnh tranh của mình khi bắt đầu tham gia thị trường. "Cam kết không tăng cước trong giờ cao điểm" là một trong những khẩu hiệu của các ứng dụng đặt xe thuần Việt mới xuất hiện gần đây như Be. Vừa qua, sự xuất hiện của ứng dụng gọi xe thuần Việt "Be - đội ngũ áo vàng" trên các tuyến đường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tạo nên cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các ứng dụng gọi xe. So sánh về giá thời điểm bình thường, mức giá Be niêm yết cao hơn so Grab, tuy nhiên không quá khác biệt. Do Be đăng ký hoạt động dưới loại hình kinh doanh vận tải, vì vậy cước phí này đã bao gồm cả 10% thuế VAT. Chiến lược giá cả của Be không hướng đến cạnh tranh bằng giá rẻ, mà chú trọng vào chất lượng dịch vụ, nhấn mạnh giá trị cốt lõi nằm ở đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, cung cấp mức giá hợp lý, ổn định ở các thời điểm.

Hiện nay, số lượng người dân sử dụng các ứng dụng gọi xe chưa nhiều, dư địa thị trường còn rất lớn. Các chuyên gia đánh giá, những ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber, Grab hay GoViet, Be khi tham gia thị trường đều đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu rất tốn kém. Câu chuyện cạnh tranh về giá cước, nhằm chiếm lĩnh thị phần của mỗi ứng dụng trên thực tế chỉ mang tính chất tạm thời. Không doanh nghiệp nào có thể mãi chạy theo việc khuyến mại, khi chiếm thị phần lớn, đương nhiên khuyến mại sẽ giảm dần, cùng với đó là tăng giá cước và chiết khấu để thu hồi lợi nhuận. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, cái lợi lâu dài nhất vẫn là một thị trường cạnh tranh với sự tồn tại song hành của các doanh nghiệp làm ăn bài bản. Chỉ có như vậy mới bảo đảm giá cả và chất lượng hợp lý đối với người dùng.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/39203702-gia-cuoc-thay-doi-hon%E2%80%A6-thoi-tiet.html