Giá cước tàu hàng khô giảm 90% do dịch virus Corona

Sự bùng phát dịch virus Corona tại Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu. Giá cước vận tải tàu hàng khô hiện đã giảm sâu 90% so với thời điểm tháng 9/2019.

Sự bùng phát dịch virus Corona tại Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là hoạt động chuyên chở hàng hóa. Theo chỉ số giá cước vận tải của hãng tin Bloomberg, giá cước vận tải các loại tàu Capesize – loại tàu vận chuyển hàng khô (như quặng sắt) lớn nhất thế giới hiện chỉ còn ở mức dưới 4.000 USD/ngày, giảm sâu 90% so với thời điểm tháng 9/2019.

Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đã giảm hơn 50% trong tháng 1/2020, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2016 do thị trường lo ngại sự bùng phát của dịch virus Corona sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa – nguyên liệu của Trung Quốc giảm xuống, kéo theo sự suy giảm nhu cầu sử dụng tàu vận chuyển. Nhu cầu sử dụng tàu vận tải hàng hóa vốn đã giảm xuống trong nửa đầu tháng 1/2020 khi nhiều nước tại Châu Á bước vào kỳ nghỉ lễ dài Tết Nguyên đán.

Chỉ số giá cước tàu hàng khô BDI giảm mạnh trong tháng 1/2020 do dịch virus Corona bùng phát tại Trung Quốc

Chỉ số giá cước tàu hàng khô BDI giảm mạnh trong tháng 1/2020 do dịch virus Corona bùng phát tại Trung Quốc

Ông Ralph Leszczynski, người đứng đầu nghiên cứu tại công ty môi giới tàu biển Banchero Costa & Co. cho biết giá cước tàu vận tải vốn đã ở mức thấp trong tháng 1/2020 khi nhiều nước tại Châu Á bao gồm Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ dài Tết Nguyên đán cũng như nhu cầu xuất khẩu hàng từ Brazil giảm do thời tiết bất lợi. Nhu cầu sử dụng tàu hàng khô của Brazil chủ yếu để xuất khẩu quặng sắt. Hiện giá cước vận tải tàu hàng khô tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh khi dịch virus Corona bùng phát, ông Ralph Leszczynski cho biết.

Trên thị trường tàu hàng khô, quặng sắt là một trong những mặt hàng có nhu cầu chuyển chở lớn nhất. Tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển hàng năm đạt khoảng 1,6 tỷ tấn. Các tuyến vận tải quặng sắt chủ yếu là từ Brazil và Australia đến các cảng Trung Quốc và khu vực Châu Âu. Trong bối cảnh dịch virus Corona bùng phát tại Trung Quốc, nhiều khu vực sản xuất tại quốc gia này đã tạm ngưng hoạt động bao gồm Vũ Hán – một trong những trung tâm công nghiệp và sản xuất thép lớn nhất.

Nhiều chuyên gia nhận định sự đình trệ hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều đến các chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, kéo theo đó là hoạt động vận tải hàng hóa giữa các thị trường. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Toyota và General Motors hiện tạm ngưng hoạt động các nhà máy đặt tại Trung Quốc. Mới nhất, hãng Apple cho biết sẽ tiếp tục đóng cửa toàn bộ cửa hàng và văn phòng làm việc tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2.

Thị trường vẫn chưa có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc nói riêng, nền kinh tế toàn cầu nói chung. Khi dịch SARS bùng phát hồi năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc đang có đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhưng quy mô GDP chỉ đứng thứ 6 toàn cầu. Tại thời điểm này, Trung Quốc đã đóng vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu với quy mô GDP đứng thứ 2 và quy mô xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy sản xuất của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động trong thời điểm diễn ra dịch SARS. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, có đến 7 cảng container của Trung Quốc xuất hiện trong top 10 cảng hàng hóa lớn nhất thế giới.

Hiện các hãng tàu biển và công ty môi giới tàu vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch virus Corona cũng như động thái của các doanh nghiệp tại Trung Quốc để đánh giá tác động của dịch bệnh đến giá cước vận tải.

Quang Đặng (Tổng hợp)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-cuoc-tau-hang-kho-giam-90-do-dich-virus-corona-68440.htm