Giá cước Grab ngày càng cao

Cước phí di chuyển qua ứng dụng Grab ngày càng tăng, có những thời điểm gần gấp đôi giá của taxi truyền thống.

Grab đang phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ nhiều "tân binh" - Ảnh: Ngọc Dương

Cùng quãng đường, cùng thời điểm, 2 mức giá

Khoảng 16 giờ 30 chiều chủ nhật (26.5), đặt chuyến xe ô tô 4 chỗ qua ứng dụng (app) Grab từ quận Tân Phú về quận 7 (TP.HCM), chị Mai Phương khá bất ngờ khi được báo giá tới 297.000 đồng dù không hiện khung giờ cao điểm. Thấy giá cao, chị Phương chuyển qua đặt thử xe trên app taxi Vinasun, giá báo 196.000 đồng, app Be là 167.000 đồng. Trước đó, chị cũng bắt một chuyến Grab từ đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) về quận 7 được báo giá 270.000 đồng, trong khi nếu đi taxi truyền thống chỉ mất gần 200.000 đồng.

"Tất nhiên cái nào rẻ mình chọn thôi nhưng đúng là dạo gần đây đi Grab giá cao hơn nhiều so với lúc trước. Không chỉ ô tô, cùng một quãng đường giá xe máy của Grab cũng cao hơn so với đối thủ Go-Viet. Tôi thường xuyên đặt xe qua ứng dụng nên so sánh được giá của nhiều hãng" - chị Phương chia sẻ.

Tương tự, chị Kiều Hương hằng ngày đón Grab Bike đi làm từ nhà ở quận 4 đến cơ quan ở quận 3 cũng phản ánh giá cước xe tăng khoảng 10.000 đồng so với thời gian trước, từ 26.000 - 28.000 đồng giờ luôn ở mức 35.000 - 38.000 đồng. Chưa kể, khi bắt xe chị thường xuyên được báo khung giờ cao điểm và giá cước "nhảy" lên 42.000 - 45.000 đồng, có khi tới 53.000 đồng.

Không những giá cao, rất nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc khi cùng một quãng đường, cùng một thời điểm nhưng nếu đặt xe qua 2 máy khác nhau, Grab báo giá "một trời, một vực". Anh Minh (ngụ quận 10) kể có lần anh cùng con trai đặt xe Grab từ nhà đến trung tâm thương mại, trong khi điện thoại anh báo 92.000 đồng thì máy cậu con trai báo tới 167.000 đồng, gần gấp đôi.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Grab lý giải do giá mỗi cuốc xe Grab được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách hàng đặt xe. Vì vậy, tại cùng một thời điểm và khoảng cách nhưng giá cước cho các cuốc xe có thể khác nhau. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại ngày càng tăng, số lượng tài xế không đáp ứng đủ nên giá cước có thể cao hơn so với trước. Vị này cũng khẳng định từ tháng 10.2017, giá các dịch vụ của Grab không thay đổi, bao gồm cả giá cơ sở và phí kết nối cuốc xe.

Cước phí Grab thường xuyên bị đẩy lên cao, tần suất giờ cao điểm cũng ngày càng nhiều - Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều "tân binh" sẽ tăng cạnh tranh

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản thông báo ứng dụng Go-Viet (Công ty TNHH Thương mại công nghệ Go-Viet) và Fastgo (Công ty CP FastGo Việt Nam) chính thức được các cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai thí điểm kết nối xe chở khách theo hợp đồng trên địa bàn thành phố. Như vậy, tại TP.HCM hiện có tổng cộng 8 doanh nghiệp được tham gia thí điểm theo Quyết định số 24 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng.

Không thể phủ nhận trong thị trường gọi xe công nghệ hiện nay, Grab vẫn đang thể hiện vị trí anh cả, các tân binh cạnh tranh không đơn giản. Là người đầu tiên khai phá thị trường, Grab đã khẳng định được thương hiệu, ít nhiều tạo được vị thế nhất định trong lòng người dùng. Họ cũng có một lực lượng tài xế đông đảo, tạo tiền đề cơ bản vững chắc cho việc mở rộng thêm các tiện ích, dịch vụ khác. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định thị trường luôn khốc liệt và không thể nói trước điều gì. Người mới hay cũ, chỉ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả thỏa mãn người dùng là sẽ thắng. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều dư địa, sự góp mặt của nhiều "tân binh" sẽ tăng cạnh tranh, thêm nhiều cơ hội, sự lựa chọn cho cả phía người dùng và đối tác tài xế.

Thực tế, điều kiện tiên quyết giúp Grab, Uber nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, khẳng định được tên tuổi, vị trí trên thị trường vận tải chính là giá cả. Điển hình như trường hợp của chị Mai Phương nêu trên, trước khi đặt xe, chị sẽ so sánh giá cả giữa các ứng dụng, không phân biệt taxi công nghệ hay taxi truyền thống, cái nào rẻ hơn thì chọn. Do đó,nếu không có chiến lược giữ giá hợp lý, vị trí anh cả của Grab hoàn toàn có thể bị lung lay bất cứ lúc nào.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gia-cuoc-grab-ngay-cang-cao-1086999.html