Giả công an vào nhà dân bắt người: Hành vi táo tợn không chỉ trả giá bằng tiền

Theo chuyên gia pháp lý, thủ đoạn của các đối tượng là rất tinh vi, táo tợn và có sự chuẩn bị kỹ càng nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Giả danh người của Bộ Công an nửa đêm vào nhà dân đọc lệnh bắt người, khám nhà

Công an Q.11 (TP. Hồ Chí Minh) đang tạm giữ Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) để mở rộng điều tra vụ việc giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nửa đêm vào nhà dân yêu cầu khám xét nhà khẩn cấp, đọc lệnh bắt người, cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, khoảng 23h ngày 28/8, bà L.T. H. (54 tuổi, ngụ Q.11) đang ở nhà riêng trên đường Nhật Tảo (P.7, Q.11, TP. Hồ Chí Minh) thì có 2 người đàn ông đi trên một chiếc xe ô tô biển xanh, mặc sắc phục công an đến gõ cửa và tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (thuộc Bộ Công an), yêu cầu khám xét nhà và đọc lệnh bắt khẩn cấp bà T.

Hai đối tượng giả danh cán bộ công an vào nhà dân lúc nửa đêm đòi khám nhà, đọc lệnh bắt khẩn cấp (Ảnh: CA)

Hai đối tượng giả danh cán bộ công an vào nhà dân lúc nửa đêm đòi khám nhà, đọc lệnh bắt khẩn cấp (Ảnh: CA)

Thấy điệu bộ cả hai khả nghi, đặc biệt là không có sự xuất hiện của đại diện Công an phường hay tổ dân phố, một số người dân gọi điện trình báo công an khu vực xuống hiện trường xác minh.

Nhận được tin báo, Công an P.7 (Q.11) đã nhanh chóng cử tổ tuần tra xuống hiện trường và yêu cầu hai người xưng là bộ công an xuất trình giấy tờ.

Thấy lực lượng công an, hai người đàn ông này vẫn bình tĩnh đưa ra các giấy tờ, thẻ ngành, lệnh bắt khám xét nhưng đều là "giả".

Nhận thấy có dấu hiệu khả nghi, Công an P.7 đã yêu cầu 2 người đàn ông này về trụ sở công an để làm việc.

Tại cơ quan công an, danh tính của hai cán bộ Cục Cảnh sát Hình sự "dỏm" nhanh chóng được làm rõ là Trần Văn Sơn (SN 1979, trú tại P.4, Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và Trần Hồng Thái (SN 1983, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên).

Thủ đoạn tinh vi, táo tợn

Đánh giá vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của 2 đối tượng là rất táo tợn, coi thường pháp luật.

"Thẻ ngành" giả mạo và chiếc xe ô tô biển xanh giả mà hai người đàn ông sử dụng (Ảnh: CA)

Những người này đã giả danh cán bộ Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) ngang nhiên vào nhà dân đọc lệnh khám xét và bắt người nhằm mục đích yêu cầu bà H. phải đưa cho chúng 100 - 200 triệu sẽ bỏ qua chuyện.

"Có thể thấy đây là một thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, liều lĩnh chưa từng xảy ra những năm gần đây đã gây tổn hại đến uy tín lực lượng Công an nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Anh Thơm đánh giá.

Theo chuyên gia pháp lý này, có thể thấy rằng các đối tượng đã lên kế hoạch chuẩn bị công cụ, phương tiện, tìm mua trang phục ngành công an, làm giả các giấy tờ, tài liệu và tìm hiểu người bị hại để thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản.

Xét hành vi phạm tội của các đối tượng trong cùng một thời điểm đã xâm phạm đến 04 khách thể Bộ luật Hình sự điều đó là: Quyền sở hữu tài sản của công dân; Trật tự quản lý hành chính Nhà nước về chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác trong lực lượng vũ trang; Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; chế độ quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự của Nhà nước.

Tang vật của các đối tượng bị lực lượng chức năng thu giữ (Ảnh: CA)

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, để có căn cứ xử lý các đối tượng về các tội danh tương ứng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích phạm tội và trưng cầu giám định quân phục, giấy tờ, tài liệu, khẩu súng các đối tượng sử dụng.

Kết quả giám định xác định quân phục các đối tượng mặc được làm giả và mạo danh mình có cấp bậc, chức vụ để thực hiện hành vi trái pháp luật thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự.

Các giấy tờ, tài liệu được xác định làm giả thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Đối với khẩu súng mà đối tượng sử dụng, nếu kết quả giám định thuộc vũ khí quân dụng hoặc có tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự.

"Với động cơ, mục đích yêu cầu bà H. phải đưa cho chúng 100 - 200 triệu thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/gia-cong-an-vao-nha-dan-bat-nguoi-hanh-vi-tao-ton-khong-chi-tra-gia-bang-tien-d160914.html