Giá cổ phiếu tăng chậm hơn VN-Index, 'đại gia' BOT sốt ruột

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM (mã chứng khoán CII) vừa lên tiếng về việc cổ phiếu công ty tăng chậm so với mức tăng chung của thị trường.Công ty đã nhìn nhận sự thật khiến cổ phiếu CII tăng chậm song điều khiến nhà đầu tư mất niềm tin lại chưa được chỉ ra...

Việc buôn bán đúng đỉnh của Tổng giám đốc CII Lê Quốc Bình diễn ra nhiều lần khiến cổ đông ít nhiều mất niềm tin vào cổ phiếu này.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh khoảng 40,4%, song giá cổ phiếu CII chỉ tăng ở mức khiêm tốn hơn (khoảng 14,4%), từ 28.150 đồng lên 32.200 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh những lí do khách quan của thị trường như việc ảnh hưởng từ những cổ phiếu lớn, số lượng cổ phiếu niêm yết tăng, ban lãnh đạo công ty đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố nội tại ảnh hưởng đến giá cổ phiếu CII trên thị trường.

"Đại gia" BOT cho rằng cổ phiếu tăng chậm là do trong năm nay, công ty đã phát hành tăng vốn điều lệ 1.230 tỷ đồng.

"Mặc dù việc tăng vốn sẽ tạo cơ hội để CII có thể tăng quy mô phát triển, tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là đã tạo áp lực rất lớn đối với cổ đông hiện hữu trong việc cân đối nguồn tài chính cho việc mua thêm cổ phiếu mới. Do đó, một số cổ đông có xu hướng bán cổ phiếu để lấy tiền mua cổ phiếu mới phát hành", công ty cho biết.

Thứ hai, nhà đầu tư và cổ đông chưa hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch lợi nhuận 2018 của công ty. Cụ thể, ban lãnh đạo CII khẳng định kế hoạch năm 2018 đã được công bố rõ ràng song chỉ là ước tính.

"Công ty nhận thấy rằng vẫn chưa cung cấp đủ thông tin đến nhà đầu tư và cổ đông để quý vị có thể yên tâm về kế hoạch lợi nhuận của công ty trong năm 2018", thông báo của công ty nêu rõ.

Thứ ba, áp lực từ việc thoái vốn của cổ đông nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu CII tăng chậm.

Trong một khoảng thời gian rất ngắn vừa qua, Ayala đã công bố bán ra khoảng 17,57 triệu cổ phiếu vì một số lý do khách quan.

Cùng với việc thoái vốn của Ayala, Goldman Sachs cũng công bố bán ra khoảng 7,87 triệu cổ phiếu. Việc thoái vốn của hai nhà đầu tư này đã tạo ra một khối lượng cổ phiếu khổng lồ (khoảng 25,44 triệu cổ phiếu) mà thị trường khó có thể hấp thụ nhanh được, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhà đầu tư đang quan tâm đến các cổ phiếu big-cap hơn là mid-cap.

Ban lãnh đạo CII khẳng định, tất cả các yếu tố vừa nói ở trên xảy ra cùng lúc. Điều này đã làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá của CII trong giai đoạn hiện nay.

Từ sự "thừa nhận" trên, ban lãnh đạo công ty cho biết đang có dự định hủy đợt phát hành cổ phiếu mới nếu như việc phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 2.500 tỷ đồng thành công. Công ty đang trong quá trình thương thảo đàm phán với một số tổ chức tài chính lớn.

Về kế hoạch lợi nhuận năm 2018, công ty khẳng định sẽ vượt mức kế hoạch năm 2018 dựa trên tốc độ tăng trưởng của doanh thu thu phí BOT của các dự án hiện tại khoảng 11%.

Công ty khẳng định trong trường hợp không tăng vốn điều lệ và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2018, với mức giá đóng cửa tại ngày 23/11/2017 là 32.200 đồng thì chỉ số EPS 2018 sẽ khoảng 4.873 đồng.

Mặc dù khá thẳng thắn thừa nhận những lý do khiến cổ phiếu không tăng như mong muốn song khi nhìn những chuyển động của doanh nghiệp này ít nhiều khiến nhà đầu tư mất niềm tin.

Trong quý 3/2017, doanh thu công ty đạt 408 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ gần 66 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong những năm gần đây, CII liên tục báo lãi lớn nhưng dòng tiền thì liên tục âm. CII thường xuyên ghi nhận khoản lãi bất thường nhờ những khoản chuyển nhượng công ty con, giảm sở hữu tại công ty thành viên, đánh giá lại tài sản,…

Đặc biệt, lãnh đạo công ty với việc liên tục "lướt sóng" cổ phiếu khiến không ít cổ đông công ty "thở dài" khi buôn bán đúng đỉnh. Cuối tháng 5/2017, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII bán ra 2,21 triệu cổ phiếu CII trong tổng số hơn 2,66 triệu cổ phiếu mà ông đang nắm giữ. Ngay sau khi ông bán, cổ phiếu bắt đầu lao dốc. Trước nhiều ý kiến của cổ đông về động thái "lướt sóng" này, ông Bình đã phải viết tâm thư.

"Tổng giám đốc của CII cũng là 1 cổ đông, chỉ khác là đang ở vị trí thành viên ban điều hành của công ty, do đó vẫn có quyền được bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân như các cổ đông nội bộ khác, vấn đề là việc này phải được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Do đó, với các phân tích đã nêu ở trên không có chuyện Tổng giám đốc "úp sọt" nhà đầu tư", ông Bình chia sẻ.

CII là doanh nghiệp chuyên về xây dựng cầu đường, bất động sản. Công ty đã đầu tư xây dựng nhiều dự án cầu đường lớn với mức đầu tư hàng nghìn tỷ theo hình thức BT, BOT như: BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 60, tuyến đường tránh QL1,...

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gia-co-phieu-tang-cham-hon-vn-index-dai-gia-bot-sot-ruot-20171125134323142.htm