Gia cố chống ồn trong ô tô: Dán lớp cách âm có thực sự hiệu quả?

Mặc dù đã được gia cố chống ồn từ trong nhà máy sản xuất ô tô, nhưng mong muốn chiếc xe phải êm “như đi trong khách sạn” đã khiến nhiều người không bao giờ thỏa mãn với “xế yêu” của mình. Vì vậy, họ đã bỏ ra cả “núi” tiền để thử hết vật liệu này đến vật liệu khác, những mong “cải thiện tình hình”. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế lại không như kỳ vọng!

Cánh cửa được dán lớp chống ồn bitum vào mặt trong của tole.

Vật liệu gia cố có an toàn?

Không ít các “bác tài” mách bảo nhau, hãy dùng vật liệu cách âm rẻ tiền bằng tấm giảm thanh cấu tạo từ giấy bạc và bitum (hoặc cao su tự nhiên) để dán vào mặt trong lớp tole cửa, trần xe hay phủ kín cả sàn. Tuy nhiên, bitum thực ra là nhựa đường hay còn gọi là hắc ín, chủ yếu dùng trong xây dựng hệ thống giao thông, chống thấm nước cho tàu thuyền và làm lớp sơn phủ cho các công trình xây dựng ngoài trời. Ở điều kiện bình thường cũng như khi có nhiệt độ cao (nhiệt độ trong xe ô tô, nếu để ngoài trời nắng sẽ lên đến 45-500C) thì chất nhựa đường và chất bảo quản cao su sẽ tạo ra khí có tác hại đến sức khỏe. Nguy hiểm nhất khi trong ô tô, một môi trường kín, lượng khí ấy cô đọng sẽ rất nguy hiểm cho người khi tiếp xúc.

Thực tế, nhiều người còn có “sáng kiến”, lấy mút “quả trứng” (thường dùng cách âm trong phòng thu) để ốp vào mặt trong cánh cửa xe. Tuy nhiên, mút là thứ rất dễ bắt lửa, nhất là phía trong 4 cánh cửa xe, nơi có “chi chít” đường dây điện “lằng nhằng”.

Một “xế yêu” đang được “giải phẫu” để phủ lớp chống ồn.

Đa số muốn trả về “zin”

Phần lớn chủ xe, khi mới gia cố chống ồn đều tỏ vẻ hài lòng bởi sự khác biệt ban đầu. Thế nhưng, sau một thời gian thì đa số lại muốn tháo bỏ, trở về “ngày xưa”, bởi những nguyên nhân:

- Bị ù: Nhiều chủ xe cho rằng, gia cố thêm khiến khi ngồi trong xe sẽ cảm thấy bị ù. Thực chất là, khi dán các lớp cách âm, âm thanh chỉ bị biến dạng chứ không mất đi. Theo các chuyên gia, tiếng ồn của một chiếc xe hơi đang vận hành là từ gió, từ động cơ, tiếng rung của khung gầm và tiếng lốp trên mặt đường. Trong đó, tiếng gió và tiếng động cơ thì không thể cản được, chỉ còn tiếng lốp xe với tiếng rung khung gầm. Tuy nhiên, 2 nguồn “ồn ã” ấy đã được nhà sản xuất khắc phục bằng nhiều phương pháp (sẽ trình bày ở phần sau).

- Khó đóng cửa: Nên biết, chiếc xe nguyên bản đã được các kỹ sư thiết kế tỉ mỉ, chi tiết từ khung cửa đến gioăng cao su, sao cho vừa đủ để bảo đảm độ kín và dễ đóng. Trong khi, các gioăng cao su gia cố được quảng cáo là sẽ tăng thêm độ kín được sản xuất chủ yếu từ Trung Quốc, không theo một mẫu xe nào. Cho nên, khi dán thêm gioăng cửa thì lại khó đóng, bởi gioăng cao su chèn vào nhau, hoặc không khớp với khoảng cách của cửa và thân xe. Còn về tác dụng giảm âm, rất khó để nhận biết có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, nếu gioăng cao su che khít được khe cửa thì nên dùng, bởi, chúng ngăn được bụi lọt vào khi xe chạy qua công trường hoặc vùng đất đỏ.

- Kẹt lên xuống kính: Với lý do chống rung tole cửa xe, nhiều cửa hàng sửa chữa “dụ” chủ xe dán lớp bitum hoặc cao su non lên bề mặt trong của lớp tole. Tuy nhiên, phía trong lớp tole là khung kính nâng lên, hạ xuống. Một chủ xe chia sẻ trên diễn đàn otosaigon như sau: “Em đã từng làm chống ồn cho con Ỉn (Innova), dán 4 cánh cửa. Thời gian đầu chắc do tâm lý nên thấy cũng đỡ, nhưng sau lại thấy ồn như cũ, cộng thêm cánh cửa nặng trịch. Đã thế, khi mưa kính hay bị kẹt nên em tháo ra và thấy cũng chả ồn hơn”.

- Ngấm nước mục tole: Các lớp chống ồn bằng nhựa đường, sợi bông, hay mút xốp đều ở dạng xốp và có các khe hở bên trong. Đây là nơi trữ nước nếu dán ở phía mặt tole cửa bên trong, tạo nên độ ẩm, gây ra sét gỉ, mục tole và chập điện.

Mút quả trứng trong cách âm xây dựng.

Xe nguyên bản đã được chống ồn thế nào?

Nếu lật các lớp lót sàn xe nguyên bản, hoặc lật băng ghế sau, người dùng sẽ nhận thấy sàn xe được thiết kế những rãnh lồi, lõm. Đây là các gân được dập để giảm biên độ rung và giúp sàn xe chắc chắn hơn. Trên mặt sàn, có những tấm kim loại được dán như miếng vá. Đó là những tấm damping được nhà sản xuất gia cố lên những chỗ rung của sàn xe. Những chỗ rung này sẽ tạo ra âm thanh khi động cơ vận hành (và được nhà sản xuất kiểm tra bằng máy chuyên dụng). Ngoài ra, các khung cửa cũng được gia cố bằng các gioăng cao su vừa đủ để đóng, mở cửa dễ dàng.

Về cơ bản, việc gắn thêm mút hoặc gioăng cao su để bít các khe cửa có thể giảm được tần số âm thanh, nhưng “ác thay” lại không đáng kể đối với tai người. Cho nên, điều “hằng mong muốn” của người tiêu dùng là xe chạy trên xa lộ phải êm như đi trong khách sạn, bằng việc dán những tấm vật liệu lên cửa hay lót sàn, là điều không thể!

Hạ Mi

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/gia-co-chong-on-trong-o-to-dan-lop-cach-am-co-thuc-su-hieu-qua-d57961.html