Giá cà phê xuống thấp, dân găm hàng, doanh nghiệp gặp khó

Hiện, giá cà phê trong nước giảm xuống mức thấp, người dân không muốn bán ra dẫn đến thương nhân và nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê để xuất khẩu.

Dự báo sức ép lên giá cà phê toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thanh

Dự báo sức ép lên giá cà phê toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 955 nghìn tấn, trị giá 1,609 tỷ USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt khoảng 1.685 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, hiện giá cà phê trong nước giảm xuống mức thấp, người dân không muốn bán ra dẫn đến thương nhân và nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê để xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu dẫn ra con số cụ thể, tháng 6, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm theo thị trường thế giới, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại. Ngày 30/6, giá cà phê thị trường nội địa giảm thấp nhất là 0,3% tại các huyện Eo H’leo và Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk, xuống mức 31.000 đồng/kg; mức giảm cao nhất là 1,6% tại huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum, xuống mức 30.700 đồng/kg.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm 1,0%, xuống còn 30.300 – 30.400 đồng/kg. Tại cảng khu vực TP HCM, cà phê Robusta loại R1 giảm 0,3% so với ngày 30/5, xuống mức 32.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tăng trong tháng 6 so với cuối tháng 5, tuy nhiên xu hướng tăng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica biến động không đồng nhất, tăng trên sàn giao dịch New York nhưng giảm trên sàn BMF của Brazil.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm 2020. Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, nếu GDP toàn cầu giảm 1% sẽ khiến tiêu thụ cà phê giảm 0,95%.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ yếu còn do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc; giữa Hoa Kỳ - EU khiến sức mua trên thị trường hàng hóa nông sản thấp. Cùng với đó, mối lo làn sóng dịch Covid-19 lần 2 ngày càng gia tăng cũng đã tác động tiêu cực lên thị trường cà phê.

Hiện nay, Braizil đang trong vụ thu hoạch cà phê Robusta với dự báo được mùa và Indonesia bắt đầu tham gia thị trường. Dự báo sức ép lên giá cà phê toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài cho tới khi Brazil bước vào giai đoạn cuối của vụ thu hoạch năm nay.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gia-ca-phe-xuong-thap-dan-gam-hang-doanh-nghiep-gap-kho-129376.html