Giá cà phê hôm nay 28/12: Giá tăng cùng sức ép bán hàng vụ mới, Giá hồ tiêu tiếp tục giảm, nông dân lo lắng

Giá cà phê thu mua trong nước tiếp tục tăng nhẹ. Xuất hiện tâm lý lo ngại giá cà phê trong nước giảm do sức ép bán ra và ít người mua giữa lúc vào mùa. Giá hồ tiêu trong nước liên tiếp giảm, nông dân trồng tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể rơi vào nguy cơ thất thu nặng nề ở niên vụ 2020-2021 này.

Giá cà phê giữ nguyên giá niêm yết từ cuối tuần trước. Ngày hôm nay, sàn cà phê London đóng cửa không giao dịch. Sàn New York mở cửa muộn.

Giá cà phê giữ nguyên giá niêm yết từ cuối tuần trước. Ngày hôm nay, sàn cà phê London đóng cửa không giao dịch. Sàn New York mở cửa muộn.

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Ngày 28/12, sàn cà phê London đóng cửa không giao dịch. Sàn New York mở cửa muộn.

Giá cà phê tại các sàn thế giới vẫn đang giữ nguyên niêm yết từ phiên đóng cửa tuần trước. Theo đó, giá cà phê robusta tại London giao tháng 1/2021 ghi nhận mức 1.369 USD/tấn sau khi tăng 0,74% (tương đương 10 USD) so với chốt phiên giao dịch liền trước; giao tháng 3/2021 ở mức 1.383 USD/tấn tăng 5 USD; giao tháng 5/2012 ở mức 1.393 USD/tấn tăng 6 USD.

Giá cà phê arabica giao tháng 12/2020 tại New York giao dịch lên mốc 125,95 US Cent/pound, tăng 1,12% (tương đương 1,40 US Cent) so với phiên giao dịch trước đó; giao tháng 3/2021 ở mức 125,95 US Cent/pound tăng 1,4% (tương đương 1,40 US Cent); tháng 5/2021 ở mức 127,85 US Cent/pound tăng 1,4 US Cent.

Giữa tháng 12/2020, giá cà phê robusta tăng nhờ yếu tố hỗ trợ về nguồn cung chậm lại tại Việt Nam. Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo sản lượng cà phê arabica niên vụ 2020-2021 của Brazil sẽ giảm từ 38,8 triệu bao xuống còn 37,2 triệu bao.

Trong khi đó, giá cà phê thu mua trong nước tiếp tục tăng nhẹ so với hôm trước,đang giao dịch quanh ngưỡng 32.500 – 33.000 đồng/kg.

Thời tiết thuận lợi, nhịp độ thu hái niên vụ 2020-2021 tại Việt Nam đang tăng dần. Ước đến nay chừng 50-60% diện tích đã thu hoạch xong. Chất lượng thử nếm cà phê mùa mới đến nay rất tốt nhờ nắng ráo. Tuy nhiên, đang lo ngại yếu tố thời tiết có thể làm chậm lại nhịp độ nếu như ảnh hưởng đến vùng sản xuất trọng điểm tại Tây Nguyên.

Tổng cục Hải quan cho biết nửa đầu tháng 12/2020, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt chừng 35 nghìn tấn. Tuy nhiên, lý do xuất khẩu giảm là do tình trạng khan hiếm containers rỗng và chỗ trống trên tàu.

Dù nhịp độ ra hàng càng ngày càng nhiều, nhưng sức mua nhập khẩu không lớn vì lý do thiếu vật tư và phương tiện vận chuyển. Đang xuất hiện một tâm lý lo ngại giá cà phê trong nước sẽ xuống do sức ép bán ra và ít người mua giữa lúc vào mùa. Tuy thế, nếu nông dân được thông tin về khủng hoảng vận tải biển hiện nay, nếu được sự quan tâm hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng, hy vọng người bán sẽ tìm cách giải phóng hàng vừa đủ khi cần thiết để qua khỏi những thử thách hiện nay.

Về dài hạn, giá trên các sàn cà phê phái sinh vẫn còn hướng cải thiện nhờ USD yếu, đồng nội tệ Brazil mạnh và tồn kho khả dụng giảm.

Giá hồ tiêu mới nhất

Trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu giao ngay ngày 27/12 tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 22,2 Rupee/tạ (0,06%) xuống mức 35.200 Rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 24/12 đến 30/12 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,7 VND/INR.

Xu hướng giảm giá hồ tiêu đã diễn ra mạnh mẽ trên thị trường thế giới vào tuần qua. Vào cuối tuần các thị trường hàng hóa đều có khối lượng giao dịch thấp do bước vào đợt nghỉ lễ Giáng sinh sẽ kéo dài sang hết ngày hôm nay (28/12). Tuy nhiên, dự báo thị trường tiêu sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ tiêu vào mùa Đông tăng, tác động tích cực lên thị trường.

Giá tiêu tại thị trường trong nước liên tiếp giảm 1.000 - 2.500 đồng so với tuần trước, đang giao dịch ở mức 52.000 - 53.500 đồng/kg, khiến người trồng tiêu lo lắng cho vụ thu hoạch sắp tới.

Thời điểm này, đi về các vùng trồng hồ tiêu lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều vườn tiêu lại đang rơi vào cảnh mất mùa, trong khi đến nay thị trường tiêu vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Mất mùa – rớt giá khiến nông dân trồng tiêu lại rơi vào cảnh nguy cơ thất thu nặng nề ở niên vụ 2020-2021 này.

Có một thực tế là khi giá tiêu ở mức cao thì nông dân ồ ạt phá bỏ các vườn cây khác để chuyển qua trồng tiêu, khiến diện tích tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến khoảng 13.000ha. Sau khi cây tiêu rớt giá xuống thấp thì người dân lại bỏ bê, ồ ạt phá bỏ để chuyển trồng qua các loại cây ăn trái. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300 ha, giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu.

Về lâu về dài, nếu không hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến thì người trồng tiêu vẫn sẽ mãi phải theo đuổi với điệp khúc được mùa – mất giá và ngược lại.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-2812-gia-tang-cung-suc-ep-ban-hang-vu-moi-gia-ho-tieu-tiep-tuc-giam-nong-dan-lo-lang-132562.html