Giá cà phê hôm nay 18/1: Lợi thế của cà phê Việt từ thị trường EU; Xu hướng tăng của giá hồ tiêu năm 2021

Sắc xanh đã trở lại trên cả hai sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới. Thị trường xuất khẩu cà phê thế giới được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2021. Trong khi đó, giá hồ tiêu cũng đã có dấu hiệu tăng trở lại, kỳ vọng có những chuyển biến khả quan trong thời gian tới.

Cập nhật giá cà phê hôm nay: Tìm cơ hội mới ở EU

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, sắc xanh đã trở lại trên cả hai sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước.

Giá cà phê robusta niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) đã tăng mạnh ở tất cả các thời điểm bàn giao trong phiên đóng cửa; giá giao tháng 3/2021 tăng 21 USD/tấn (1,58%) so với chốt phiên trước đó, đứng ở 1.353 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng tới 21 USD/tấn (1,56%) giao dịch ở 1.363 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Cùng 'hưởng ứng' xu thế tăng, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng đang trong xu hướng tăng dù mức tăng tương đối nhỏ; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 0,8 Cent (0,63%), lên 128,15 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng mạnh 0,85 Cent (0,66%), lên 130,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thị trường xuất khẩu cà phê thế giới được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2021. Tuy nhiên, sau những biến động lớn thị trường chắc sẽ có những thay đổi về đặc điểm mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ. Trong khi tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua được cho là tín hiệu lạc quan của thị trường xuất khẩu, thì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao tiếp tục phải tăng cường, sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng cao hơn.

Tại thị trường nội địa những ngày đầu năm 2021, giao dịch cà phê trầm lắng do nhu cầu yếu, nguồn cung tăng do trong thời gian thu hoạch. Giá cà phê thu mua vẫn ở mức thấp nên người dân chưa bán ra nhiều. Đầu tháng 1/2021, giá cà phê trong nước giảm. Ngày 8/1/2021, giá cà phê giảm từ 700 – 800 đồng/kg so với ngày 31/12/2020.

Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.391 USD/tấn, giảm 40 USD/tấn (tương đương mức giảm 2,8%) so với ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên, đối với ngành hàng cà phê Việt Nam, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và cà phê nói riêng. Chỉ hơn 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng từ 17-20% so với tháng trước đó.

Mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU hiện đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Bên cạnh đó, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có cà phê Buôn Ma Thuột. Các chuyên gia nhận định, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Giá hồ tiêu có dấu hiệu tăng trở lại

Tại phiên đóng cửa thị trường tuần trước, giá hồ tiêu thế giới giao ngay tại sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) tăng 50 Rupee/tạ (0,14%), giao dịch ở 34.550 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1/2021 đến ngày 15/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.

Trong tháng 12/2020, giá tiêu đen của Indonesia tăng mạnh tới 8,9%, trong khi Việt Nam tăng 1,7%, Ấn Độ tăng 0,5% và giá tiêu trắng của Trung Quốc tăng 4,7%, Malaysia tăng 2,9%, Việt Nam tăng 1,1%, theo dữ liệu của Cộng đồng Hồ Tiêu Quốc Tế (IPC).

Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 12/2020 đạt 20.742 tấn hồ tiêu các loại, giảm 2.188 tấn, tức giảm 9,54 % so với tháng trước, nhưng lại tăng 4.079 tấn, tức tăng 24,48 % so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tiêu trong tháng đạt 57,40 triệu USD, giảm 3,09 triệu USD, tức giảm 5,10 % so với tháng trước nhưng lại tăng 17,24 triệu USD, tức tăng 42,93 % so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế khối lượng xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2020 đạt tổng cộng 285.292 tấn tiêu các loại, tăng 1.002 tấn, tức tăng 0,35 % so với khối lượng xuất khẩu cả năm 2019. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 đạt tổng cộng 660,57 triệu USD, giảm 53,58 triệu USD, tức giảm 7,50% so với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019.

Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 2.767 USD/tấn, tăng 4,89% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng trước và giá xuất khẩu bình quân cả năm 2020 đạt 2.315 USD/tấn, giảm 7,84% so với giá xuất khẩu bình quân cả năm 2019.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-181-loi-the-cua-ca-phe-viet-tu-thi-truong-eu-xu-huong-tang-cua-gia-ho-tieu-nam-2021-134151.html