Giá cà phê hôm nay 12/1: Tâm lý mới là yếu tố chi phối thị trường; Khắc tinh hãm giá hồ tiêu?

Giá cà phê dao động trên hai sàn chủ chốt chủ yếu do tâm lý thị trường chi phối hơn là yếu tố cung – cầu. Đáng chú ý giá cà phê robusta giảm sâu như thể không liên quan đến nguồn cung đang giảm mạnh. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài chắc chắn ảnh hưởng lớn đến thị trường và giá hồ tiêu.

Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) đã kết thúc chuỗi 5 phiên sụt giảm liên tiếp, bằng một phiên quay đầu tăng nhẹ. (Nguồn: Spectrumnutrition)

Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) đã kết thúc chuỗi 5 phiên sụt giảm liên tiếp, bằng một phiên quay đầu tăng nhẹ. (Nguồn: Spectrumnutrition)

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Hai sàn giao dịch cà phê chủ chốt của thế giới bắt đầu những phiên đầu tuần mới với một thay đổi bất ngờ, cùng xoay chiều để tiếp tục tỷ lệ nghịch với nhau.

Theo ghi nhận của TG&VN, lúc 0h00 ngày 12/1 (giờ Việt nam), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) đã kết thúc chuỗi 5 phiên sụt giảm liên tiếp, bằng một phiên quay đầu tăng nhẹ; giá giao tháng 1/2021 tăng 3 USD/tấn (0,23%) so với chốt phiên trước đó, hiện đứng ở 1.321 USD/tấn; giá giao tháng 3/2021 cũng theo xu thế tăng dù chỉ 3 USD/tấn (0,23%), giao dịch ở 1.332 USD/tấn.

Trong khi đó, cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) lại cắt chuỗi tăng bằng một phiên giảm; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 2,2 Cent (1,78%), xuống còn 121,5 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 2,2 Cent (1,75%), lên 123,55 Cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.

Giá cả hai sàn biến động hiện được cho chủ yếu do tâm lý thị trường chi phối hơn là yếu tố cung – cầu. Đáng chú ý là giá cà phê robusta tại London giảm sâu bất chấp ước báo xuất khẩu từ Việt Nam giảm mạnh vì sự hạn chế của vận tải biển và mối lo các cảng nhập khẩu bị phong tỏa, trong khi thu hoạch vụ mùa năm nay bị chậm lại gần cả tháng, vì hiện tượng thời tiết La Nina xuất hiện gây mưa bão kéo dài tại các nước sản xuất cà phê trên vành đai Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, lượng cung ra thị trường từ nhà nông Việt Nam cũng được dự đoán sẽ không giảm, do họ cần có tài chính để trang trải công nợ cuối năm cũ và chi tiêu để đón mừng Tết cổ truyền vào đầu tháng Hai.

Tại Ấn Độ, giá cà phê robusta cũng đang giảm mạnh, trong khi mưa lớn thất thường giữa vụ thu hoạch và tình trạng khan hiếm công nhân thu hoạch đang khá trầm trọng. Vào hôm thứ Bảy (9/1), giá cà phê robusta và cà phê thô giao ngay trên thị trường Wayanad dao động từ 62 - 64 Rupee/kg, giảm so với mức 71 - 72 Rupee/kg một tháng trước. Tương tự, giá hạt cà phê robusta chế biến ướt cũng giảm từ 125 Rupee/kg xuống còn 115 Rupee/kg.

Ông Victor Day, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất cà phê của Wayanad (WCGA), cho biết, giá một kg hạt cà phê trên thị trường hiện nay gần bằng với giá thu mua vào năm 1995. Hiện tại, nhiều nông dân đang gặp khó khăn trong quá trình bán ra sản phẩm do cà phê bị mưa làm ướt. Trong khi đó, các thương nhân lại từ chối thu mua hoặc đưa ra mức giá rất thấp, The Hindu đưa tin.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê thu mua đi ngang tại nhiều tỉnh, thành chủ chốt. Các địa phương gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh không ghi nhận điều chỉnh mới, duy trì khoảng giá từ 31.200 - 33.100 đồng/kg; tại Kon Tum, giá thu mua giảm nhẹ 200 đồng/kg trong hôm nay, hiện giao dịch tại mốc 31.500 đồng/kg.

Giá hồ tiêu biến động trái chiều

Giá hồ tiêu thế giới ghi nhận vào phiên đóng cửa thị trường gần nhất, giao ngay tại sàn trực tuyến Kochi (Ấn Độ) duy trì ổn định ở mức 133,35 Rupee/tạ (0,38%), giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1 - 13/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trở lại khiến mọi hoạt động kinh tế, lễ hội của các nước trên thế giới trong cuối năm 2020 bị tê liệt và kéo dài sang đầu năm 2021, dịch bệnh sẽ là khắc tinh ảnh hưởng lớn tới nguồn tiêu thụ tiêu.

Thị trường hồ tiêu xuất khẩu trong tuần qua cho thấy phản ứng trái chiều. Cụ thể, tiêu đen Ấn Độ được báo cáo thâm hụt 1% xuống mức trung bình là 4.768 USD/triệu tấn.

Tương tự như ở thị trường nội địa, giá tiêu đen và tiêu trắng của Indonesia tăng 1% so với tuần trước, lần lượt ghi nhận mốc 3.033 USD/triệu tấn và 4.869 USD/triệu tấn.

Tại Malaysia, tiêu đen và tiêu trắng cũng tăng 1%, giao dịch với mức tương ứng là 2.332 USD/triệu tấn và 3.822 USD/triệu tấn. Tương tự, hạt tiêu đen Sri Lanka được báo cáo tăng 2% so với tuần trước, hiện được thu mua quanh mốc trung bình là 2.849 USD/triệu tấn, International Pepper Community đưa tin.

Giá tiêu thu mua trong nước chững lại, không thay đổi nhiều, duy trì giao dịch quanh ngưỡng trung bình là 51.500 đồng/kg. Mức giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg ghi nhận tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai; tiếp đến là Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước với khoảng giá từ 52.000 - 52.500 đồng/kg; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt giá giao dịch cao nhất 53.000 đồng/kg.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-121-tam-ly-moi-la-yeu-to-chi-phoi-thi-truong-khac-tinh-ham-gia-ho-tieu-133688.html