Giá cả hàng hóa dịp Tết tiếp mạch bình ổn

Báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của Bộ Tài chính cho biết, do Tết năm nay người lao động nghỉ dài ngày nên nhu cầu mua sắm Tết được dàn trải, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và kéo dài đến ngày 29 tháng Chạp. Qua theo dõi, tình hình giá cả dịp Tết năm nay tiếp tục giữ ổn định.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Vĩnh Phúc dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Vĩnh Phúc dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù thời điểm trước Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhưng các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp bình ổn thị trường nên giá các loại thịt: lợn, bò, gà, cá không có nhiều biến động. Nhìn chung, sức mua từ ngày 29 tháng Chạp mới bắt đầu tăng. Tuy nhiên, sau Tết, giá nhiều mặt hàng vẫn giữ ở mức cao. Tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Thanh Hà, chợ Hôm - Đức Viên…, giá thịt nạc vai và thịt thăn khoảng 250 đến 280 nghìn đồng/kg, móng giò 150 nghìn đồng/kg, sườn 260 nghìn đồng/kg… Hiện, giá thịt lợn hơi các tiểu thương thu mua tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nam Định… đang dao động ở mức 80 đến 83 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Minh Thúy, tiểu thương bán thịt lợn tại phố Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết, do giá cao nên thịt lợn bán cũng khá chậm, người dân chủ yếu mua các phần xương ống, xương sườn, tim, cật… để nấu các món lẩu, bún. Giá thịt bò cũng chỉ tăng nhẹ, dao động khoảng 250 đến 300 nghìn đồng/kg tùy loại. Các loại cá, hải sản vẫn khá giữ giá. Cụ thể, cá trắm đen giá 150 nghìn đồng/kg, cá chép 80 nghìn đồng/kg, tôm giá từ 250 đến 500 nghìn đồng/kg tùy loại to nhỏ…

Riêng mặt hàng rau xanh đã tăng giá gấp 1,5 đến hai lần so với trước Tết. Các tiểu thương cho biết, do hai ngày 30 và mồng 1 Tết xảy ra mưa đá và mưa lớn nên nhiều loại rau xanh như cải cúc, xà lách, cải xanh… đã bị dập nát, hư hại nhiều. Cộng với việc người nông dân không ra đồng thu hoạch nên nguồn cung rau hạn chế, đẩy giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày đầu năm mới. Cụ thể, giá rau tại chợ được bán phổ biến ở mức như sau: Cải cúc 15 đến 20 nghìn đồng/mớ trong khi trước Tết là 10 nghìn đồng/mớ; rau muống 20 nghìn đồng/mớ; cải canh 60 nghìn đồng/kg; mồng tơi 10 đến 15 nghìn đồng/mớ; su hào 15 nghìn đồng/củ; dưa chuột 50 nghìn đồng/kg; xà lách 70 nghìn đồng/kg…

Tại TP Hồ Chí Minh, sức mua từ ngày 29 tháng Chạp trên thị trường tăng 20 đến 30% so với ngày thường. Một số mặt hàng phục vụ Tết như thịt lợn, rau củ quả, hoa Tết, trái cây, bánh mứt… tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng. Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán 2020, hàng hóa tại các siêu thị và chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh khá phong phú, đa dạng với giá cả tương đối ổn định. Ngày mồng 2 Tết, tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương đã bán rau, củ, quả các loại. Tuy sức mua không lớn, nhưng theo nhiều người tiêu dùng, giá xà lách, dưa leo, cải thảo, hành tây, ớt… tăng đôi chút. Chị Nguyễn Thị Hòa, ngụ phường 2, quận Bình Thạnh cho biết, do nhà ở gần chợ Bà Chiểu nên không mua các mặt hàng rau, củ, quả để dùng trong dịp Tết mà thường ra chợ hằng ngày mua rau tươi về dùng. Rau xà lách so với ngày 30 Tết có tăng khoảng 2 nghìn đồng/kg, còn dưa leo nhìn chung giá vẫn giữ ổn định.

Với truyền thống cúng mâm ngũ quả vào những ngày cuối năm, nhất là ngày 30 Tết nên nhu cầu mua trái cây các loại cũng tăng so với các ngày trước đó. Tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, xoài Cát Chu giá 60 nghìn đồng/kg, tăng gần 20 nghìn đồng/kg so với tuần trước, xoài cát Hòa Lộc tăng lên 140 nghìn đồng/kg, so với cách đây hơn hai tuần, mức giá khoảng 75 đến 85 nghìn đồng/kg. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, dưa leo tăng giá thêm 2 nghìn đến 3 nghìn đồng/kg, lên mức 25 nghìn đồng/kg, khổ qua tăng 20 nghìn đồng/kg, khoai tây Đà Lạt tăng 19 nghìn đồng/kg, cà-rốt Đà Lạt tăng 14 nghìn đồng/kg... Đối với mặt hàng thịt lợn, giá bán đến thời điểm này vẫn ổn định, không tăng so với ngày 30 Tết. Trong ngày 30 Tết, giá thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn, giảm giá từ 5 nghìn đến 7 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại, thịt chân giò, nạc vai giá 115 nghìn đồng/kg, sườn non 190 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, như chợ Bà Chiểu, Bình Chánh, huyện Bình Chánh, giá thịt chân giò khoảng 200 nghìn đồng/kg, ba rọi rút sườn 260 đến 280 nghìn đồng/kg, tăng hơn 20 nghìn đồng/kg so với vài ngày trước Tết. Theo Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn Lê Văn Tiển, ngày 30 tháng Chạp lượng thịt lợn về chợ đạt 303 tấn, giảm một phần hai so với ngày 29 tháng Chạp. Giá lợn hơi vẫn ở mức 83 nghìn đồng/kg, giá lợn mảnh loại một 105 nghìn đồng/kg giảm 5 nghìn đồng/kg so với ngày 29 tháng Chạp.

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người dân có xu hướng mua sắm tại trung tâm thương mại. Các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart, Aeon, Vinmart... đã dự trữ một lượng hàng lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm. Những ngày cận Tết, các siêu thị luôn quá tải, sức mua tăng từ 30 đến 35% so với ngày thường, tuy nhiên giá cả tương đối ổn định. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, để bảo đảm cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020, Sở Công thương đã vận động các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, các siêu thị trên địa bàn thành phố ngày 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Giá cả trong ba ngày Tết tuy có tăng hơn so với vài ngày trước đó nhưng cũng không có tình trạng cháy hàng, tăng giá đột biến.

Tại Hà Nội, đến mồng 4 tháng Giêng, đồng loạt các hệ thống siêu thị như Vinmart, Hapro… đã mở cửa hoạt động bình thường. Nếu như tại các chợ, giá các mặt hàng có sự biến động thấy rõ thì tại các siêu thị, hầu hết hàng hóa giữ giá khá ổn định. Tại siêu thị Hapro Thành Công, giá thịt lợn không đổi so với trước Tết. Cụ thể, thịt nạc vai và ba chỉ có giá 209.900 đồng/kg; móng giò giá 159.900 đồng/kg; xương cục giá 119.900 đồng/kg… Các mặt hàng rau xanh cũng không có biến động dù nguồn cung và số lượng có ít hơn do người dân mua sắm chưa nhiều. Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho biết, do đã làm việc từ sớm với các nhà cung cấp với kế hoạch cụ thể nên lượng hàng hóa trong các siêu thị vẫn khá đầy đủ chủng loại, tươi mới và giá ổn định.

Bên cạnh thị trường hàng hóa, các loại dịch vụ cũng đã tăng giá khá mạnh trong những ngày Tết. Tại Hà Nội, nhiều hệ thống cửa hàng quán cà-phê nước giải khát như HighLand, Gardenista, Aha, Kafa… đã mở cửa phục vụ xuyên Tết, lượng khách tăng vọt so với ngày thường. Dễ thấy tình trạng xếp hàng đợi gọi đồ hoặc chật kín chỗ ngồi tại các quán cà-phê này. Do hoạt động trong những ngày Tết nên nhiều cửa hàng tính thêm từ 10 đến 15% phí phục vụ hoặc chỉ phục vụ một số loại đồ uống nhất định. Còn tại các điểm di tích, khu vui chơi giải trí ở Hà Nội như Hồ Gươm, Phủ Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám… đã xuất hiện hàng loạt bãi trông giữ phương tiện tự phát với mức giá tăng vọt. Theo khảo sát, giá trông giữ xe máy khoảng 20 đến 30 nghìn đồng/xe; giá trông giữ ô-tô là 100 đến 150 nghìn đồng/lượt/xe. Hầu hết các bãi xe tự phát đều lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, đòi hỏi lực lượng chức năng tăng cường vào cuộc kiểm tra, kiểm soát và bố trí thêm các điểm trông giữ xe đúng phép, có quản lý chặt chẽ về giá.

Tại TP Đà Nẵng, ngày 28-1 (mồng 4 tháng Giêng), nhiều khu chợ đã mở cửa trở lại. Giá cả nhìn chung không tăng so với trước Tết, trừ một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt như cá biển, tôm tươi có tăng nhẹ; rau quả giữ nguyên giá và thậm chí còn giảm bởi thời tiết nắng ấm kéo dài. Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng mở hàng với mức giá không biến động.

TRÀ TÂN và TRANG HẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43064802-gia-ca-hang-hoa-dip-tet-tiep-mach-binh-on.html