Giá cá biển nuôi 'xẹp xuống' vì trông hết vào thị trường..Trung Quốc?

Với bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín, lặng gió, môi trường nước sạch, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi cá biển (nuôi cá lồng bè). Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng trên 8.700 ô lồng nuôi cá lồng bè trên biển, chủ yếu là các loại cá có giá trị cao, như song, giò, vược, hồng... với tổng sản lượng khoảng 2.700 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nghề nuôi cá biển ngày càng gặp khó về đầu ra, giá thu mua thấp, thiếu ổn định, trong khi đó chi phí đầu tư cao...

Theo các hộ nuôi, đầu ra chủ yếu của cá lồng bè là xuất sang Trung Quốc (duy nhất cá song được xuất chính ngạch, các loại cá nuôi còn lại đều xuất tiểu ngạch); tiêu dùng của ngành Than và phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc thắt chặt đường biên và các hoạt động xuất tiểu ngạch khiến cho các thương lái thu mua cá dè dặt hơn, thậm chí có thời gian ngừng thu mua để ép giá.

Hộ ông Lê Khắc Xin nuôi cá giò tại đảo Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả.

Ngành Than với khó khăn về sản lượng than tồn kho lớn cũng cắt giảm chi tiêu, trong đó giảm thấp nhất nhu cầu tiêu dùng cá biển, thị trường tiêu thụ cá lồng bè chủ yếu là phục vụ khách du lịch nội địa. Bởi vậy, hiện giá bán cá lồng bè giảm mạnh, thấp hơn năm 2015 khoảng 50% giá trị. Đáng nói, nhiều người nuôi cá lồng bè đã đến tuổi xuất bán (nuôi từ 1,5-2 năm) nhưng không bán được, trong khi đó chi phí nuôi lại tốn kém.

Hiện nuôi cá lồng bè trên biển, ngoài các chi phí lồng bè, giống, ngày công chăm sóc, thì khoản nặng nhất là thức ăn hằng ngày cho cá. Thức ăn của tất cả các loại cá nuôi lồng bè đều là các loại cá tạp tươi sống băm nhỏ, vào thời điểm khan hiếm (không phải mùa khai thác) cá tạp có giá khá cao. Theo tính toán của người nuôi, để có được 1 tấn cá lồng bè thương phẩm phải mất đến 7 tấn cá tạp thức ăn. Bởi vậy, nếu cá đến độ thu hoạch mà không bán được, thời gian nuôi kéo dài thì người nuôi càng mất nhiều chi phí, giảm lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận.

Hiện nuôi cá lồng bè trên biển, ngoài các chi phí lồng bè, giống, ngày công chăm sóc, thì khoản nặng nhất là thức ăn hằng ngày cho cá. Thức ăn của tất cả các loại cá nuôi lồng bè đều là các loại cá tạp tươi sống băm nhỏ, vào thời điểm khan hiếm (không phải mùa khai thác) cá tạp có giá khá cao. Theo tính toán của người nuôi, để có được 1 tấn cá lồng bè thương phẩm phải mất đến 7 tấn cá tạp thức ăn. Bởi vậy, nếu cá đến độ thu hoạch mà không bán được, thời gian nuôi kéo dài thì người nuôi càng mất nhiều chi phí, giảm lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận.

Anh Vũ Văn Thành, hộ nuôi cá tại khu vực đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả) cho biết: Gia đình anh nuôi 4 lồng cá giò với mật độ nuôi 250 con/lồng, trọng lượng mỗi con từ 8-12kg. Loại cá này rất phàm ăn, tiêu dùng lượng thức ăn rất lớn, vì vậy chi phí thức ăn rất cao. Trong tình hình giá thu mua thấp như hiện nay, gia đình anh chỉ lấy công làm lãi cũng không được, nhiều khả năng là bị lỗ vốn.

Hộ anh Trần Văn Đức (khu vực Hải Quân, phường Đại Yên, TP Hạ Long) cho biết: Gia đình anh nuôi 2 lồng cá song. Đây là loại cá có giá trị cao, tuy mức độ tăng trưởng không nhanh, nhưng lượng thức ăn mất ít hơn so với các loại cá khác, nên nếu đầu ra tốt thì vẫn mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây đầu ra của cá song rất khó, cá đến độ bán nhưng không ai hỏi mua, trong khi nuôi cá song càng để lâu thì càng lỗ vốn...

Hộ ông Lê Khắc Xin đang nuôi trên 400 con cá giò tại khu vực đảo Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, cho biết: Chưa đến mức khó bán như cá song, song từ đầu năm đến nay giá cá giò xuống thấp, càng những con to thì thương lái càng ép giá, thấp hơn nhiều so với mức đầu tư, nên chúng tôi bán là chấp nhận lỗ. Nhưng để lại nuôi tiếp thì cũng dở, bởi chi phí thức ăn hằng ngày rất cao, mà nếu giảm khẩu phần ăn thì cá nuôi gầy, yếu, sụt cân và dễ bị mắc bệnh.

Bên cạnh đó, phương thức nuôi cá lồng bè hiện nay chủ yếu là dùng thức ăn tươi sống, không qua chế biến hoặc dùng thức ăn công nghiệp, nên không chỉ gây tốn kém, lãng phí, mà còn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi (do tồn dư thức ăn thừa), dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh, về lâu dài ảnh hưởng đến nguồn nước biển nói chung, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên biển.

Bởi vậy, các nhà chuyên môn cho rằng phương thức nuôi cá lồng bè hiện nay không bền vững, trong điều kiện phát triển thêm về ô lồng nuôi và sản lượng sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như đã phân tích trên, ảnh hưởng đến toàn ngành nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra hiện nay do mô hình nuôi cá lồng bè ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, chi tiết, nên các dịch vụ hậu cần kém phát triển, chưa hình thành một ngành sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là một vấn đề nan giải cho nghề nuôi cá biển của Quảng Ninh nói riêng, toàn quốc nói chung. Cùng với đó các dịch vụ cung cấp hậu cần như thuốc, hóa chất phòng trị bệnh cho sản xuất còn hạn chế.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển hiện đang gặp không ít khó khăn, cần phải có những tính toán, điều chỉnh hợp lý và phát triển theo quy hoạch cũng như phát triển đồng đều các dịch vụ hậu cần đi kèm.

Theo Việt Hoa (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/gia-ca-bien-nuoi-xep-xuong-vi-trong-het-vao-thi-truongtrung-quoc-775672.html