Giã biệt 2 gương mặt gạo cội của văn nghệ Việt

Trong hai ngày cuối tuần, văn học nghệ thuật Việt giã biệt hai gương mặt gạo cội: Đạo diễn Lê Cung Bắc và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Đạo diễn Lê Cung Bắc và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Một người nghệ sĩ lớn trên màn ảnh để lại trong ký ức một linh mục là tiếng bạch bạch Lambretta; một người lặng lẽ soi bóng mình trên trang viết đã để lại trong lòng bạn văn với chữ nghĩa quyết liệt không ngừng…

Hai người ở hai đầu đất nước, mỗi người có một con đường đi, chọn lựa khác nhau nhưng điểm chung của cả hai người nghệ sĩ, văn sĩ vừa nằm xuống chính là một đời sống tử tế qua từng tác phẩm.

Đạo diễn Lê Cung Bắc qua ký ức một linh mục

Là một Phật tử nhưng khi nằm xuống, những dòng chia sẻ bùi ngùi đầu tiên về đạo diễn Lê Cung Bắc lại đến từ một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Trên trang fanpage Người Giồng Trôm đã nhắc đến những kỷ niệm của tác giả với đạo diễn Lê Cung Bắc: “Như một mối duyên, Cô Giang - Chú Bắc (Bùi Thị Giang và Lê Cung Bắc) dọn đến ở chung với gia đình chúng con một thời gian. Tuy không dài nhưng cũng không quá ngắn để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, nhất là thời bao cấp khó khăn. […]

Hình ảnh thân thương của gia đình Bắc - Giang vẫn còn đó trong lòng của công chúng và cách riêng gia đình con. Cô Giang: Một người Mẹ, một người vợ tuyệt vời! Từng gánh bún riêu, từng làm nhà máy in Trần Phú cho đến quán Nhà Tôi nơi con đã đến dùng cơm để cùng Chú gánh vác niềm đam mê nghệ thuật. Từ bé, được những vé mời, được hiện diện trong những buổi tối ấm áp của Chú và cố diễn viên Chánh Tín ngồi bên nhau bên mái hiên nhà con ở thật ấm áp tình cảm gia đình”.

Ít ai biết các bài viết đăng tải trên trang fanpage Người Giồng Trôm hay Anmai CSsR đều là của linh mục Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh, Dòng Chúa Cứu Thế. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, linh mục Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh cho biết: “Ngày bé, gia đình đạo diễn Lê Cung Bắc ở cùng nhà tôi tại đường Hương Giang ở khu cư xá Bắc Hải. Gia đình chú thân thiết với nhà tôi như người trong gia đình. Sau này, gia đình chú mua nhà về đường Đồng Nai cũng gần đó.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh chú Bắc trên chiếc xe Lambretta nổ bạch bạch mỗi sáng, cô Giang vợ chú thì đi chiếc cánh én. Tôi quý chú Bắc không chỉ ở những hình ảnh trên màn ảnh mà ở một người đàn ông gia đình, ngoài công việc thì không rượu chè, cờ bạc… Sở dĩ chú có thể tập trung nhiều cho sự nghiệp bởi cô Giang vợ chú là người bươn chải, hết mực chăm lo đời sống kinh tế. Thuở đó cô hằng ngày sang tận Nhà Bè bán bún riêu, rồi chuyển sang làm nhà máy in Trần Phú, rồi mở quán Nhà Tôi… Giờ ra đi, chú được an phận và hoàn thành cuộc đời nghệ sĩ tử tế vậy. Vì hoàn cảnh dịch bệnh không về được, tôi xin thắp nén hương tưởng nhớ chú nơi xa…”.

Đạo diễn Lê Cung Bắc. Ảnh: Tư liệu nhân vật cung cấp

Đạo diễn Lê Cung Bắc. Ảnh: Tư liệu nhân vật cung cấp

Một Nguyễn Xuân Khánh dưới góc nhìn Phạm Xuân Nguyên

Nếu đạo diễn Lê Cung Bắc là người tử tế, xuất hiện nhiều trên màn ảnh thì ngược lại, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại là một người tử tế lặng lẽ…

Ông chưa bao giờ ồn ào với phát ngôn nào trên văn đàn nhưng người ta lại ồn ào bởi tác phẩm đầy quyết liệt của ông. “Nguyễn Xuân Khánh là một người nhất quán từ đời sống đến đường văn. Ông viết từ sớm nhưng rồi thập niên 1960-1970 ông có một “tai nạn” và dừng lại khá lâu. Cho đến thời đổi mới, ông xuất hiện trở lại trên văn đàn với tiểu thuyết dày dặn. Dày dặn với mỗi tập 700, 800 trang và bản thảo cả ngàn trang viết tay. Dày dặn cả về nội dung tư tưởng như tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, tiểu thuyết Văn hóa Việt Nam

Đến tận cuối đời, từ đường văn đến đường đời, Nguyễn Xuân Khánh luôn nhất quán suy nghĩ, ưu tư về văn hóa Việt, căn tính Việt Nam, ông dùng văn chương để giải mã điều đó” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Theo nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn nổi trội trong văn chương với những nội dung văn hóa, dân tộc, sự truy nguồn bí ẩn văn hóa Việt Nam. Rất hiếm hoi nhà văn có thể kết hợp giữa tính cách bản địa vốn có với văn hóa Phật giáo hay lý giải tín ngưỡng thờ Mẫu như kiểu Nguyễn Xuân Khánh lần lượt viết trong Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Tư liệu Hội Nhà văn Hà Nội

Miền hoang tưởngChuyện ngõ nghèo, hai tác phẩm này là chiều sâu sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh. Miền hoang tưởng ban đầu có tên là Hoang tưởng trắng, nhà văn viết từ những năm 1973-1974, một giai đoạn đời sống tư tưởng tinh thần còn nhiều điều phong tỏa. Vì thế khi ra đời thời đó, tác phẩm bị phản ứng. Cho đến năm 1985, tác phẩm này xuất bản, nhà văn phải lấy tên Đào Nguyễn. Khi tác phẩm ra đời, nhiều người phản ứng vì họ không đọc ra được thông điệp. Miền hoang tưởng muốn thông qua người nghệ sĩ nói về cái đẹp của văn chương, nghệ thuật lẫn con người. Con người, cái đẹp đối diện làm sao khi bị bao vây với phàm tục, độc ác muốn vùi dập.

Hay Trư cuồng viết những năm 1981-1982 nhưng cho đến năm 2016 mới xuất bản lại với tên gọi là Chuyện ngõ nghèo. Ông muốn nói sự chống chọi của con người trước tha hóa của hoàn cảnh, đời sống. Câu chuyện ông chọn để nói lên thông điệp đó là chuyện thực tế của chính ông, một nhà văn từng phải nuôi heo để sống; từ đời sống khó khăn đó mà biến nó thành thông điệp nghệ thuật. Chính thời gian xuất hiện tác phẩm khi tư tưởng còn nhiều phong tỏa, cộng với sự phản ứng khi tác phẩm ra đời nó càng cho thấy rõ Nguyễn Xuân Khánh luôn nhất quán trong hành trình đi tìm giá trị đẹp, cao quý của con người dẫu hoàn cảnh nào.

Nguyễn Xuân Khánh ngoài đời là một người rất nhẹ nhàng, tử tế nhưng trong văn ông rất quyết liệt tư tưởng dù chữ nghĩa vẫn tinh tế, trong sáng. Nằm xuống ở tuổi gần 90, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết văn với tâm thế của nhà văn hóa và những tác phẩm ông để lại vẫn có ích cho người đọc về văn chương lẫn lịch sử văn hóa” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định.

Một cuối tuần vừa khép lại với hai nghệ sĩ đã rời xa thế tục, một thế tục luôn đầy rẫy cả đồ tể lẫn những kẻ mộng mơ… Nhưng qua đời sống, tác phẩm của hai nghệ sĩ, có lẽ khán giả, độc giả vẫn luôn được nuôi dưỡng trong lòng sự tử tế cần thiết giữa đời. Cầu chúc đạo diễn Lê Cung Bắc lẫn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bước đến một hành trình khác thật nhẹ nhàng, thênh thang…

Vào 1 giờ 53 phút ngày 13-6, đạo diễn Lê Cung Bắc (76 tuổi) đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia ở TP.HCM sau thời gian mang bệnh ung thư. Trước đó, vào 14 giờ 55 phút ngày 12-6, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (88 tuổi) cũng đã rời cõi tạm tại nhà riêng ở Hà Nội.

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/gia-biet-2-guong-mat-gao-coi-cua-van-nghe-viet-992573.html