Giá bất động sản tăng nóng khắp nơi: Đừng để sóng ảo nhấn chìm

Bất chấp các ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giá đất nền tại nước ta từ đầu năm đến nay vẫn 'sốt' khắp nơi. Điều này làm dấy lên những lo ngại về chu kỳ 'bong bóng' mới.

Theo các chuyên gia bất động sản, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn.

Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông với mục đích là đầu cơ chờ thời để kiếm lời mà không có nhu cầu sử dụng thực.

Khi những cơn sốt đất đi qua, hệ quả để lại là khôn lường.

Nhiều người đổ về các vùng ven đô để xem đất.

Nhiều người đổ về các vùng ven đô để xem đất.

Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản cả nước đã chứng kiến hàng loạt các cơn sốt đất, đa phần là sốt ảo.

Tại Hà Nội, năm 2019 sốt đất ở Đông Anh, năm 2010 sốt đất ở Ba Vì, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tại Hòa Lạc, Hòa Bình, Ba Vì chứng kiến những cơn sốt đất nền cục bộ.

Tại miền Trung, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có một thời gian dài trải qua các cung bậc, đất sốt nóng, sốt lạnh.

Trong khi đó, tại khu vực các tỉnh miền Nam, năm ngoái có sốt đất ở Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 2019 có sốt đất ven biển Bình Thuận;... Mới đây nhất, sốt đất xuất hiện tại khu vực xung quanh sân bay Técníc rộng 500ha, nằm ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Thực chất sân bay Técníc không phải là cây đũa thần làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường bất động sản khởi sắc trong thời gian ngắn.

Việc xây dựng sân bay không thể là bước ngoặt cho kinh tế toàn tỉnh. Bởi đây mới dừng lại ở mức chủ trương, đang đợi xem xét và phê duyệt. Vì vậy, chỉ sau 1 tuần, hiện tượng sốt đất ở đây mau chóng nguội nhanh, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, có 2 lưu ý cần phải nhắc tới.

Thứ nhất, giới đầu tư trong nước rất ưa rót vốn vào phân khúc phân lô, bán nền. Kể cả có sốt hay không, sốt ảo hay sốt thật, cũng đều thu hút một lượng lớn nhà đầu tư phong trào tham gia.

Thứ hai, hầu hết các cơn sốt đất có tốc độ tăng giá phi mã, tăng 300 - 400% chỉ trong vài tuần, chắc chắn đấy là sốt ảo. Đây chính là chiêu trò của các cò đất thổi giá tạo sóng. Do quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giới đầu tư buộc phải đi tìm cơ hội khác ở các vùng ven, khiến giá đất vùng ven, ngoại ô bật tăng.

Bộ Xây dựng từng nhiều lần cảnh báo, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng này hiện nay vẫn tiếp diễn, dập ở chỗ này thì bùng ở chỗ khác.

Giới đầu nậu, cò đất ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến người bình thường khó phát hiện ra.

Ví dụ, có cò mồi giả làm nhà đầu tư thật, mua tranh, tạo khan hiếm, nhưng thực chất chỉ giao dịch ảo.

Cũng có trường hợp, cò đất tung ra các bản vẽ quy hoạch, giấy tờ giao dịch giả để lừa người mua.

Tưởng chừng những thăng trầm của thị trường bất động sản và với những hệ lụy mà toàn xã hội đã chứng kiến sau những lần sốt đất trước đây, thì tình trạng đầu tư theo phong trào sẽ không còn.

Nhưng với những cơn sốt gần đây, cùng tình trạng nhà nhà đổ tiền đầu tư đất cho thấy, dường như những rủi ro và hệ quả tiêu cực vẫn chưa được nhiều người nhận thức sâu sắc.

Việc sốt đất khắp nơi thực chất là tăng ảo, không đúng với thực tế. Khi cơn sốt qua đi, giá đất bị giảm sâu chỉ trong thời gian ngắn.

Người “ôm” đất không thể thanh khoản bán mua được thửa đất đã đầu tư, sẽ đọng vốn lớn.

Những nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy kinh tế vay vốn đầu tư, thì họ sẽ mất khả năng chi trả nếu “bong bóng” vỡ và gánh nặng tài chính quá lớn.

Vì vậy nhà đầu tư đừng chạy theo phong trào mua đất khi sốt nóng, để bị sóng ảo nhấn chìm.

Mạnh Hùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-bat-dong-san-tang-nong-khap-noi-dung-de-song-ao-nhan-chim-n188392.html