Già A Lăng Nhứch của thôn A Xò

Từng là cán bộ y tế thôn bản, cán bộ Hội Chữ thập đỏ, trưởng bản…, nhiều năm nay, già A Lăng Nhứch luôn là 'địa chỉ' mà người trong thôn A Xò, xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tìm đến mỗi khi cần. Và suốt mấy chục năm qua, già Nhứch còn là 'chỗ dựa' của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê, BĐBP Quảng Nam.

Lần nào về A Xò, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê đều ghé nhà già A Lăng Nhứch. Ảnh: Trúc Hà

“Tổ địa bàn” của đồn Biên phòng

Những năm trước, đường lên Côn Zốt, Chơ Chun (xã La Êê) đã khó, đường đến A Xò còn vất vả hơn gấp trăm lần, bởi những con đường mòn do người bản địa chọn để đi cứ vắt qua các đỉnh núi. Đường xa cách trở, người trên núi cũng hiếm khi về xuôi, người xuôi lên A Xò chỉ có BĐBP.

Ngày ấy, Chơ Chun không có tổ công tác nên mỗi khi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi địa bàn đều ở lại nhà gươl của thôn. Để kiểm tra được đường biên, mốc giới, nắm tình hình, các anh phải ở lại cả tuần, có khi nửa tháng nếu trời mưa lớn, nước suối dâng cao. Cũng như nhiều bản vùng cao biên giới khác, cái ăn, cái mặc ở A Xò còn thiếu thốn, nhưng như một điều mặc định, mỗi khi các anh đến thì mỗi nhà góp 1 bát gạo để nuôi bộ đội những ngày ở lại. Hàng ngày, chàng thanh niên A Lăng Nhứch mang theo gùi mây, đến từng nhà để lấy gạo, thức ăn cho BĐBP. Thương bộ đội, ai có gì thì góp nấy, bởi vậy, gạo có đủ màu sắc và có khi gạo nếp lẫn gạo tẻ. Ăn bát cơm “đặc biệt” ấy, có thể không được ngon lành nhưng những người lính Biên phòng cảm nhận được tình cảm thắm đượm của người dân.

Chàng trai A Lăng Nhứch khi ấy là một cán bộ Hội Chữ thập đỏ kiêm y tế thôn bản, luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người lính Biên phòng. Tuổi trẻ của A Lăng Nhứch cũng gắn bó với quân đội, nên sự đồng cảm với những người lính Biên phòng cũng là đều dễ hiểu. Là người sống ở bản, giúp đỡ mọi người nên những câu chuyện “không bình thường” đều được A Lăng Nhứch nhớ lại. Có lẽ vì thế mà nhà của A Lăng Nhứch từ lúc nào đã trở thành “tổ địa bàn” của Đồn Biên phòng La Êê.

Tới khi A Lăng Nhứch làm Trưởng thôn thì mối thân tình với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng càng gắn bó. Mỗi lần bộ đội tới, đồ ăn, thức uống ngon nhất được mang ra thết đãi. Và mỗi lần gặp mặt, tiếng chuyện trò ở nhà của A Lăng Nhứch và bộ đội cứ rì rầm không dứt. Nào chuyện mang cây lúa nước về trồng để bà con không còn phải lo cái đói; nào chuyện làm thế nào để người dân ốm thôi không nhờ thầy cúng mà chủ động tìm thầy thuốc...

Tuổi cao, gương sáng

Thôn A Xò có 54 hộ/215 khẩu, dân tộc Cơ Tu, nằm sát đường biên giới, tiếp giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào. Đến nay, đường ô tô đã lên tới gần thôn, nhưng chưa được rải nhựa hay cấp phối, nên mùa mưa đến xe máy cũng không đi được bởi con đường bỗng trở thành “dòng sông bùn đỏ quánh”. Đường sá không thuận lợi là một trong những yếu tố khiến vùng đất này khó phát triển. Sản phẩm người dân sản xuất ra chủ yếu phục vụ tại chỗ. Cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Buổi họp thôn A Xò hôm ấy có Trưởng thôn Bơ Nước Zồn, Phó Bí thư A Lăng Thuận, Phó thôn Bling Kền và tất nhiên không thể thiếu già A Lăng Nhứch - người uy tín của thôn A Xò cũng như đại diện của Đồn Biên phòng La Êê. Trưởng thôn Bơ Nước Zồn thông báo nội dung cuộc họp để mọi người chuẩn bị ý kiến đóng góp, đề xuất, nội dung liên quan đến công tác bảo vệ rừng, chi trả tiền dịch vụ rừng, triển khai làm nhà vệ sinh, tách khu chăn nuôi ra khỏi nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường; việc giãn hộ, tách hộ để nhà có vườn trồng rau...

Khi mọi người đã phát biểu hết ý kiến,già A Lăng Nhứch bảo rằng: “Mái nhà văn hóa thôn đã bị thủng vài chỗ, giờ đã thu hoạch mùa màng xong rồi, thanh niên cần đi cắt cỏ gianh để lợp lại mái. Bao đời nay, nhà gươl là linh hồn của người Cơ Tu, dù không được to, đẹp nhưng nhất định phải chắc chắn. Việc giữ gìn truyền thống cũng là trách nhiệm của mỗi người”. Nghe xong, ai nấy đều gật đầu tâm đắc.

Đại úy Hiên Vững, cán bộ BĐBP Quảng Nam tăng cường xã, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun cho biết: Hiện tại, địa phương đang triển khai việc giãn dân để quy hoạch khu dân cư theo mô hình nhà gắn liền với đất canh tác sản xuất và thuận tiện cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương. Chủ trương này rất tốt cho bà con nhưng thực ra lại không dễ triển khai, bởi trước đây, người dân bản A Xò vốn quen sống như vậy, nay phải chuyển nhà, họ không muốn. Già A Lăng Nhứch là người đầu tiên dỡ nhà cũ đi làm nhà mới. Rồi già A Lăng Nhứch cũng bảo con trai mình là Phó Bí thư chi bộ A Lăng Thuận rời nhà để “làm gương”, bởi đã là chủ trương, việc làm của chính quyền thì là cán bộ, đảng viên phải “đi trước”. Làm theo già làng, theo Phó Bí thư Chi bộ Đảng, bà con cũng dần dần chuyển hết về nơi ở mới. A Xò dần dần hình thành nên diện mạo mới.

Chúng tôi ghé vào nhà già A Lăng Nhứch, căn nhà gỗ rộng rãi, xung quanh là vườn cây ăn trái, rau xanh và chuồng bò, chuồng dê đã được chuyển ra phía xa. Mấy tháng nay, Công ty Cây trồng Quảng Nam cấp miễn phí giống cây đinh lăng cho bà con trồng thử nghiệm. Một số người thấy thời gian cho thu hoạch dài, lại lo sau này công ty không thu mua nên trồng dè chừng. Thấy vậy, ngoài số giống được cấp theo hộ, già A Lăng Nhứch còn thu gom những gốc giống các nhà bỏ thừa mang về trồng trên nương nhà mình. Già nói: “Đinh lăng cũng là một vị thuốc. Người ta đã cất công cho xe chở lên tận đây mà vứt đi thì quá uổng phí”.

Giờ thì chúng tôi đã hiểu, suốt những năm qua, già A Lăng Nhứch là người có uy tín là bởi già không chỉ nói, mà còn hành động cụ thể, là tấm gương sáng để đồng bào noi theo.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gia-a-lang-nhuch-cua-thon-a-xo/