GHN cạnh tranh mạnh nhờ ứng dụng công nghệ

Một doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng công nghệ vào dịch vụ giao nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử và duy trì được hoạt động ở một thị trường giao nhận hàng hóa được cho là vẫn còn đầy tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh gay gắt với cả những đối thủ nội- ngoại.

Nhà sáng lập công ty Giao Hàng Nhanh (GHN) Lương Duy Hoài, nay là CEO của Scommerce – công ty mẹ của GHN và Ahamove – cho biết, sau sáu năm hoạt động GHN hiện đứng thứ 2 trong nhóm các công ty giao hàng thương mại điện tử (TMĐT) và giao hàng tức thời, phủ sóng khoảng 98% lãnh thổ Việt Nam, trừ vùng hải đảo.

Trung bình mỗi ngày GHN xử lý 250.000 đơn hàng. Công ty hiện có 8.000 nhân viên và 15.000 đối tác dịch vụ là những tài xế tự do. Và ít ai ngờ rằng, GHN còn có một lực lượng hơn hơn 100 kỹ sư công nghệ - những người góp phần không nhỏ trong việc mang lại nhựa sống công nghệ cho công ty. Cũng theo anh Duy Hoài, trong năm 2018 này công ty GHN đã đầu tư khoảng 80 tỉ đồng cho công nghệ – thứ mà ông Hoài cho là DNA (bộ gen) của doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở mảng giao nhận TMĐT.

Anh Duy Hoài nhớ lại ở thời điểm ban đầu của Ahamove, doanh nghiệp lúc đó chỉ có năm nhân sự và mỗi ngày chỉ nhận được 30 đơn hàng vận chuyển – một số lượng đơn hàng quá ít và thật sự là chẳng cần phải dùng đến một phần mềm ứng dụng nào cả. Dù vậy, Ahamove không hiểu sao vẫn rất háo hức và quyết liệt với chuyện dựng phần mềm ứng dụng để làm dịch vụ giao nhận hàng qua ứng dụng. “Chúng tôi chỉ có vài trăm triệu đồng vào ngày đó nhưng đã “trút” đến 50% số tiền đang có vào dự án làm ứng dụng của mình trong khi chưa dùng tới”, anh Hoài nói.

Nói là vậy, nhưng từ những ngày đầu cùng làm việc với nhau anh Duy Hoài và các cộng sự – đều là những kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TPHCM – đã có một niềm tin xây dựng doanh nghiệp thành một công ty hậu cần về giao nhận TMĐT quy mô lớn dựa trên nền các ứng dụng. Và ngành hậu cần TMĐT có ba bài toán cần giải quyết.

Thứ nhất, bài toán năng lực vận hành quy mô lớn. Cụ thể, ở GHN, mỗi ngày nhận 250.000 đơn hàng, mỗi đơn hàng phải qua 17 bước lưu trữ. Và để hoàn thành một đơn hàng, cần 20.000 nhân viên tương tác với nhau. Những con số nói trên cho thấy độ phức tạp trong việc xử lý đơn hàng rất lớn. “Nếu không đầu tư nghiêm túc thì không thể vận hành được”, Duy Hoài nói thêm.

Vả lại, việc giao hàng truyền thống vốn chỉ gói gọn trong cuộc vận chuyển hàng từ một điểm này đến một điểm kia. Còn với mô hình công nghệ của Ahamove, GrabExpress hay Go-Send thì số điểm giao - nhận hàng có thể lên tới hàng nghìn điểm vào cùng một thời điểm. Do đó, công nghệ chứ không phải con người mới giúp giải quyết bài toán này.

Thứ hai, năng lực hợp tác tốt. Theo anh Duy Hoài, bản chất của logistics là một bài toán chuyền qua tay nhiều người khác nhau. Vậy nên, khả năng hợp tác một cách ăn ý với đối tác là rất quan trọng. Chẳng hạn như trong trường hợp GHN kết hợp với Lazada, để thuận tiện cho việc giao hàng, GHN dùng chung QR code với Lazada. Khi Lazada dán mã này lên hàng hóa của họ, GHN không cần dán nữa mà chỉ thực hiện thêm bước scan để hoàn tất.

Điều này sẽ giúp GHN tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí nếu phải thực hiện các vận đơn lên đến 10.000 đơn hàng.

Thứ ba, năng lực tối ưu hóa năng suất hoạt động. GHN phải đo lường thời gian đối tác giao hàng chờ đợi đơn hàng để vận chuyển đến tay người nhận, theo đó công ty sẽ thống kế số lượng đối tác giao hàng trong một tuần, sau đó theo dõi số lượt quay lại của các đối tác đó sau một tuần, hai tuần và những thông tin khác có liên quan.

Khôi Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283294/ghn-canh-tranh-manh-nho-ung-dung-cong-nghe-.html