Ghìm đà tăng giá

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: 'Không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra'.

Đây là quyết định cứng rắn nhằm chặn đứng đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu khi mà từ đầu năm đến nay nhiều dịch vụ công đã được điều chỉnh tăng.

Điện, xăng dầu được điều chỉnh tăng, giá một số dịch vụ y tế tăng trong thời gian qua đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Cụ thể, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước đó CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4/2019 so với tháng trước đó, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,29%. Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,05% ; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Tác động việc tăng giá xăng dầu và giá điện đã khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,88% so với tháng 5/2018. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 2,64% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 2/5/2019 và thời điểm ngày 17/5/2019. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,28% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 6,86%; giá gas tăng 0,6%...

Câu chuyện giá các mặt hàng thiết yếu tăng, CPI tăng do chịu tác động tăng do một số mặt hàng thiết yếu tăng là điều tất nhiên, dẫu vậy CPI vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ thống nhất đánh giá, trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Mặc dù CPI vẫn trong tầm kiểm soát nhưng chúng ta không thể chủ quan. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục phân tích vấn đề mà Quốc hội thảo luận hôm 31/5 về đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước… “Bộ Công thương không tổ chức thị trường trong nước tốt thì gay go”- Thủ tướng nói.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, từ chiều 1/6, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đồng loạt giảm giá bán lẻ. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 380 đồng, xăng E5 RON 92 là 269 đồng, dầu diesel giảm 220 đồng, dầu hỏa 197 đồng và madut 182 đồng một kg. Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng RON 95 tối đa 21.219 đồng; xăng E5 RON 92 là 20.219 đồng; dầu diesel không cao hơn 17.394 đồng; dầu hỏa 16.225 đồng...

Cùng với giảm giá bán, liên bộ Công thương - Tài chính vẫn tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá cho xăng E5 RON 92 với mức 398 đồng một lít, giảm 59 đồng so với kỳ điều hành cách đây nửa tháng. Tuy mức giảm không nhiều nhưng diễn biến này cùng với yêu cầu “không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm” của Thủ tướng cho thấy khả năng Chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay có thể đạt được.

Để chặn đà tăng giá, kiểm soát lạm phát, trước đó, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Chính phủ khẳng định diễn biến chỉ số giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tạo dư địa cho điều hành giá những tháng cuối năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu điều hành giá, giữ ổn định CPI năm 2019 theo đúng kịch bản đề ra trong khoảng từ 3,3 - 3,9%.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Cùng với đó, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá cả trên thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu.

Cần lưu ý việc công bố lộ trình này phải có kế hoạch cụ thể như với ngành điện hiện vẫn đang cho rằng bị lỗ và nhiều khoản đang treo lại chưa hạch toán, vậy dự tính mỗi năm giá điện sẽ phải tăng bao nhiêu phần trăm, đến năm nào thì ngành điện cân bằng được với giá thành sản xuất và có lợi nhuận phù hợp để thu hút đầu tư? Do đó cần công khai, minh bạch các chính sách, quá trình điều hành giá nhất là những mặt hàng có liên quan đến yếu tố đầu vào để dân tin, tránh tình trạng té nước theo mưa, tăng giá là do yếu tố tâm lý.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/ghim-da-tang-gia-tintuc438531