Ghi từ tâm bão số 6

Trong màn đêm đen kịt, tiếng mưa tuôn xối xả lấn át tất cả mọi âm thanh. Người miền Trung lâu nay đã quen 'sống chung' với bão. Trong cơn bão số 5, tôi đi dọc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngoài việc lo phòng chống, ứng phó với bão thì nhiều người dân vẫn còn vô tư, bình thản trước thiên tai. Nhưng bão số 6 thì cụm từ 'gió giật cấp 15' đã khiến nhiều làng chài nhấp nhổm lo chạy bão.

Trước và trong sân Đồn Biên phòng Nhơn Châu trên đảo Cù Lao Xanh trở thành điểm neo buộc tàu thuyền tránh bão cho nhân dân. Ảnh: Lê Văn Chương

Trước và trong sân Đồn Biên phòng Nhơn Châu trên đảo Cù Lao Xanh trở thành điểm neo buộc tàu thuyền tránh bão cho nhân dân. Ảnh: Lê Văn Chương

Đúng vào lúc 20 giờ 20 phút, ngày 11-11, những cánh cửa gỗ trong Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định như đang bị một “bàn tay vô hình” giật mạnh rồi lại dập ngược trở lại. Gió thổi thốc tháo và mưa trắng trời. Ở Bình Định, địa bàn được xem là mặt tiền hứng bão dữ dội nhất, đó là xã Nhơn Hải nằm ở bờ Bắc của TP Quy Nhơn. Ngôi làng này nằm biệt lập như một cù lao và có đến 3 mặt giáp biển. Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn liên tục điện thoại xuống các tổ công tác hỏi thăm tình hình: “Tàu cá có chiếc nào bị đứt dây neo trôi không, có chiếc nào bị ứ nước chìm tại bến không...?”.

Từ tầng 3 của đơn vị nhìn ra phía cảng container, ánh đèn đêm đỏ quạch thấp thoáng ẩn hiện giữa màn mưa dày đặc như gánh nước từ trên trời trút xuống. Đại tá Lương Đức Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định điều động xe chở phóng viên Báo Biên phòng xuống đơn vị cơ sở để phản ánh công tác phòng chống bão. Vào lúc 19 giờ 30 phút thì bão dồn dập đổ vào. Thông tin mà nhiều người liên tục điện hỏi thăm là Phú Yên, Bình Định ra sao?

Lúc bão đổ bộ, hệ thống điện thắp sáng toàn TP Quy Nhơn vẫn được duy trì, mạng internet vẫn thông suốt, vì vậy, hình ảnh 60 người dân ở đảo Cù Lao Xanh vào Đồn Biên phòng Nhơn Châu tránh bão được truyền trực tiếp vào đất liền. Bà Nguyễn Thị Nê (SN 1937) được anh em đơn vị cõng đưa vào đồn Biên phòng trước khi bão đổ bộ. Bà Hoàng Thị Tiến (1960) được cán bộ đơn vị kết nối để trao đổi trực tiếp với phóng viên và cho biết: “Bà con lên đồn Biên phòng được anh em lo cơm tối và động viên tinh thần. Cảm ơn về sự chăm lo của BĐBP đối với người dân”.

Trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền 2 ngày, thông tin về vùng bị ảnh hưởng của bão là các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hóa. Cụm từ “gió giật cấp 15” luôn tạo ra sự chú ý, tạo ra sự chuyển động của người dân trong việc phòng tránh bão. Người dân sống ở dọc ven biển huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được BĐBP cùng chính quyền địa phương giúp sức lo chằng chống nhà cửa, đưa bao cát lên mái nhà, buộc dây neo các cột kèo của nhà. Tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, người dân được di dời đến những vị trí an toàn. Thôn Thạch Bi 1, thôn Thạnh Đức 1 là 2 địa phương được khoanh ô đỏ - nơi có nguy cơ bị sóng phủ cuốn trôi làng ra biển. Trước khi bão đổ bộ, toàn bộ 10.000 người dân ở các địa bàn xung yếu trong tỉnh Quảng Ngãi được di dời đến các trụ sở, các đồn Biên phòng, các nhà dân có kết cấu kiên cố.

Người dân địa phương có cách thức chống bão bài bản nhất, đúng phương châm “4 tại chỗ” nhất là ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhìn trên bản đồ google map, địa phương này giống như một eo biển lớn, như một chiếc túi sẽ hứng trọn gió từ biển thổi vào. Để “sống chung” với bão, nhiều người dân đã xây dựng hầm chống bão mà bề ngoài trông giống như những chiếc boong ke. Tôi đích thân được ông Võ Văn Lắm đưa vào “tham quan” hầm trú bão được ông xây dựng ngay tại góc sân trước nhà. Diện tích căn hầm rộng khoảng 8m2, chiều cao 1m, ngồi trong hầm có cảm giác như đang trong ca bin xe bọc thép.

Chị Phan Thị Lệ, ở xã Nhơn Hải trở về nhà sau khi đưa con đi tránh bão. Ảnh: Lê Văn Chương

Gần nhà ông Lắm là nhà bà Nguyễn Thị Hòa cũng có hầm tránh trú bão, nhưng cách xây dựng hầm theo kiểu khoa học hơn. Đó là lối vào hầm được dẫn từ trong nhà. Hầm có cửa thông hơi và quan sát ra bên ngoài. Khi có bão thì gia đình bà Hòa vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng khi gió lớn ập đến thì gia đình chui vào hầm theo lối đi thông trong nhà. Căn hầm này đã xây dựng được hơn 20 năm. Trong những lần bão lớn đổ bộ vào miền Trung, nhất là siêu bão Haiyan năm 2013, những căn hầm này càng trở nên hữu dụng.

Trưa 11-11, thời điểm bão số 6 đổ bộ vào đất liền, tôi tiếp tục đi lướt nhanh qua các làng chài và nhìn thấy ánh mắt bình thản của ông Lắm, bà Hòa. Ông Lắm nói giọng điềm tĩnh và chia sẻ kinh nghiệm của một người dân biển thứ thiệt: “Nghe dự báo thì biết bão sẽ chuyển hướng, không vô Quảng Ngãi nữa, chú cứ đi vô trong đó, bão sẽ tấp vô cuối Bình Định và Phú Yên”.

Trong lúc người dân ở các làng chài Quảng Ngãi truyền miệng thông tin về vòng xoáy của bão sẽ dịch chuyển vào hướng Nam thì đó cũng là lúc cả làng chài Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chạy đua trước giờ bão tới. Chị Trần Thị Nghĩa bế con nhỏ 3 tháng tuổi chạy đến nhà hàng xóm nằm sâu trong xóm để tránh bão. Ngôi nhà chị nằm trong một con hẻm nhỏ, cách mặt biển hơn 100m. Căn nhà cấp 4 của chị có thể sẽ bị bão hất tung trong đêm bão đổ bộ. Chị Phan Lệ, nhà ở gần mặt biển cũng dẫn cậu con trai chạy vào giữa xóm và tìm đến nhà bà con trong họ có kết cấu xây dựng bê tông vững chãi để trú bão. Trưa 12-11, khi bão tan hẳn và trời hửng nắng thì các chị mới bế con trở về.

Người dân ở đảo Cù Lao Xanh được Đồn Biên phòng Nhơn Châu đưa vào hội trường đơn vị tránh trú bão. Ảnh:Lê Văn Chương

Trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền 3 giờ đồng hồ, đài Icom cộng đồng của bà Lương Thị Hồng Lan, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhận được thông tin từ Philippines. Ngư dân Bùi Đức Thanh, thuyền trưởng tàu QNg 90594 TS kết nối qua mạng xã hội facebook và chia sẻ, đoàn tàu 5 chiếc, trong đó có 1 tàu cá của ngư dân Quảng Nam chạy về phía Philippines tránh bão từ mấy hôm trước và hiện nay đang an toàn tại vịnh Subic, thuộc tỉnh Zambales của Philippines. Chính quyền sở tại cũng đã tạo điều kiện cho các ngư dân Việt Nam tránh trú bão theo tinh thần nhân đạo quốc tế.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ghi-tu-tam-bao-so-6/