Ghi trong vùng tâm bão

Tối 17-9, cơn bão số 5 có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 'càn quét' qua thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế gây thiệt hại nặn nề cho nhân dân. Đây là một cơn bão mạnh đến và đi rất nhanh. Một cụ già ở vùng biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) cho biết, đúng ngày này cách đây 35 năm cũng xuất hiện một cơn bão lớn từng vùi dập các làng chài ở Thừa Thiên Huế.

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An kiểm tra nơi neo đậu tàu cá. Ảnh: Văn Chương

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An kiểm tra nơi neo đậu tàu cá. Ảnh: Văn Chương

Tỉnh Thừa Thiên Huế trước giờ bão số 5 (tên quốc tế là Noul) đổ bộ có mưa rất to. Để phòng, chống bão số 5, BĐBP Thừa Thiên Huế đã lập 3 chốt chỉ huy tiền phương dọc tuyến biển, bố trí hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân chằng chống nhà cửa, đặt bao cát trên mái nhà.

Ở Thừa Thiên Huế, tỷ lệ nhà lợp mái tôn cũ còn rất nhiều, nếu không chằng chống kỹ sẽ bị gió xoáy hất tung cả mái nhà gây thiệt hại cho nhân dân và nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Tại Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế), lúc 20 giờ tối 17-9, BĐBP Thừa Thiên Huế tích cực hỗ trợ, chạy đua với thời gian để đưa chiếc tàu cá cuối cùng của ngư dân hoạt động trên biển về bến trước bão.

Qua điện thoại, cán bộ ở Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An liên tục hối thúc tàu cá tăng tốc để vào bờ nhanh nhất. Đó là tàu mang số hiệu TTH 92079 TS do ngư dân Trần Văn Cu, sinh năm 1971, quê ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 ngư dân.

Tôn từ các mái nhà bay mắc vào dây điện. Ảnh: Văn Chương

Lúc 8 giờ 20 phút sáng 18-9, tại vùng biển Thuận An, nơi cơn bão đi qua, gió vẫn rất mạnh. Tuyến đường nằm ven biển thị trấn Thuận An biến thành một trận địa cây ngã đổ ngỗn ngang sau bão.

Vừa bước chân vào lối đi xuyên qua rừng dương, tôi giật mình lùi lại vì cả cánh rừng phát ra âm thanh răng rắc. Bên cạnh hàng nghìn cây dương liễu ngã đổ, thì có nhiều cây còn đứng nguyên nhưng thân cây bị vặn xoắn như một sợi dây thừng có nguy cơ gãy lúc nào không biết.

Thống kê sơ bộ trong ngày 18-9 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, bão số 5 đã khiến 1 người chết, 95 người bị thương, hơn 20 nghìn nhà bị tốc mái.

Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng Ban chỉ huy đồn đi kiểm tra hiện trường cho biết, lúc 20 giờ đêm 17-9, tàu cá cuối cùng vào được bến là tàu mang số hiệu TTH 92079 TS, 353 tàu cá của thị trấn Thuận An đều vào nơi an toàn trước bão. Cán bộ đồn Biên phòng đã tuyên truyền cho bà con ngư dân phải rời các phao bè vào bờ, nhắc nhở ngư dân không chủ quan, nhất là thời điểm bão vừa đi qua sẽ có gió thổi ngược trở lại.

Hải đội Biên phòng 2 tranh thủ giúp bà con dọn dẹp, khơi thông lại tuyến giao thông ven biển. Ảnh: Văn Chương

Bão số 5 đến và đi rất nhanh. Chỉ sau chừng 50 phút thì sức gió đã giảm. Ngay sau khi bão tan, BĐBP Thừa Thiên Huế đã triển khai lực lượng cùng bà con nhân dân sử dụng cưa máy để dọn cây ngã đổ dọc đường. Chỉ sau 2 giờ, tuyến đường ngổn ngang cây đổ đã được khơi thông trở lại.

Sau bão, mặt hàng đắt đỏ nhất ở khắp thành phố Huế là tấm lợp tôn. Nơi nào cũng cháy mặt hàng tôn và cây gác để lợp lại mái nhà.

Còn ở vùng biển, bà con ngư dân đang chuẩn bị ngư lưới cụ để sẵn sàng cho tàu mở biển, vì cứ sau ngày bão tố, ngư dân đi biển sẽ trúng mùa, bội thu.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ghi-trong-vung-tam-bao-post433273.html