Ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen – GMO được thực hiện thế nào?

Trên thế giới việc minh bạch thông tin sản phẩm có thành phần biến đổi gen được quy định rất chi tiết và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cung cấp thêm thông tin về quy định này.

Thưa ông, việc dán nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen GMO bao gói sẵn tại Việt Nam đang được thực hiện theo những quy định như thế nào?

Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Hiện nay việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Cụ thể Điều 11, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa. Nghị định này cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.

Ngày 23/11/2015 Liên Bộ: Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn. Thông tư quy định rõ thực phẩm biến đổi gen phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và phải ghi bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/1/2016 và có thời hạn chuyển tiếp là 1 năm, sau ngày 8/1/2017 thực phẩm biến đổi gen có nhãn không phù hợp không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu và lưu thông.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa quy định ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen. Theo đó, nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gen bắt buộc phải thể hiện các nội dung như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo.

Đặc biệt trên nhãn phải ghi cụm từ: “Thực phẩm biến đổi gen” hoặc “Biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng.

Hiện ở Việt Nam việc dán nhãn biến đổi gen mới chỉ áp dụng trên các sản phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn từ nguyên liệu biến đổi gen vẫn chưa được minh bạch thông tin ( Ảnh minh họa)

Hiện ở Việt Nam việc dán nhãn biến đổi gen mới chỉ áp dụng trên các sản phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn từ nguyên liệu biến đổi gen vẫn chưa được minh bạch thông tin ( Ảnh minh họa)

Trong quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn gì và Nghị định 43 có phù hợp với Luật An toàn thực phẩm (ATTP) hay không?

Quy định trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP là phù hợp quy định của Luật ATTP và tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP.

Việc quản lý đối với loại thực phẩm này gặp khó khăn do để quản lý thực hiện nghiêm các quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen thì phải có một hệ thống các phòng thí nghiệm kiểm tra thực phẩm có chứa nguyên liệu biến đổi gen hay không, và chứa bao nhiêu phần trăm, có thuộc đối tượng phải ghi nhãn biến đổi gen hay không? để có thể yêu cầu doanh nghiệp ghi nhãn hoặc xử lý vi phạm. Đây là một công việc tốn kém và không dễ thực hiện trong điều kiện kinh phí của các cơ quan kiểm tra còn hạn chế.

Hiện nay mới có 1 số rất ít phòng thử nghiệm thử nghiệm được thực phẩm biến đổi gen

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm về ghi nhãn còn thấp. Theo quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng có mức tối đa chỉ 15 triệu đồng. Và để xử lý vi phạm cần lấy mẫu, phân tích hàm lượng nguyên liệu biến đổi gen, mà chi phí thử nghiệm khá lớn.

Vậy theo ông đâu sẽ là giải pháp để hoạt động kiểm soát việc thực hiện dán nhãn biến đổi gen hiệu quả hơn?

Trước hết cần tăng cường tuyên truyền các quy định để doanh nghiệp tự giác thực hiện trách nhiệm thông tin minh bạch về thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

Tiếp đó là tăng cường công tác kiểm tra đối với thực phẩm biến đổi gen thông qua việc lấy mẫu thử nghiệm để phát hiện và xử lý vi phạm. Để công tác này có hiệu quả cần phải có kinh phí cho hoạt động khảo sát, mua mẫu, phân tích đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

Phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những hành vi vi phạm, cố tình không thể hiện minh bạch thông tin về sản phẩm biến đổi gen cho người tiêu dùng, từ đó các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện.

Bảo Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ghi-nhan-thuc-pham-bien-doi-gen--gmo-duoc-thuc-hien-the-nao-d141102.html