Ghi nhận thiệt hại ban đầu do bão số 2, nhiều nơi ngập úng

Cơn bão số 2 của năm 2020 đã suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Tuy thiệt hại ban đầu không đáng kể, nhưng hoàn lưu bão đang và sẽ gây mưa rất lớn cho khu vực, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

 Sóng đánh vào bờ biển Thanh Hóa chiều 2/8. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Sóng đánh vào bờ biển Thanh Hóa chiều 2/8. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Có nơi mưa trên 500mm

Chiều tối 2/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phát đi thông tin cuối cùng về cơn bão số 2 năm 2020. Theo đó, đầu giờ chiều nay, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Chiều tối nay, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, ở Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; ở trạm Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Trên đất liền ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7.

Theo ghi nhận, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm; Ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 200mm.

Hồi 16 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, suy yếu và tan dần.

Trung tâm Dự báo KTTV cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, kết hợp với rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão Hagupit ở phía Đông đảo Đài Loan, nên mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8/8.

Nước ngập tràn qua đường trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Cao Duy Thái/báo Nghệ An

Thiệt hại ban đầu không đáng kể

Về ghi nhận tình hình thiệt hại do bão số 2, báo Thanh Hóa dẫn số liệu từ các cơ quan chức năng trong tỉnh cho biết, thời điểm bão vào đất liền trùng thời gian thủy triều lên nên nước biển dâng và sóng to, tuy nhiên không gây thiệt hại đáng kể.

Theo đó, khoảng từ 12 giờ 40 ngày 2/8, bão số 2 bắt đầu đổ bộ vào vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa. Các xã ven biển huyện Hoằng Hóa thời điểm bão tràn qua có gió cấp 6 - 7. Dọc tuyến kè biển xã Hoằng Tiến, Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa) nước biển dâng và sóng lớn cao 2 - 3 m.

Đến 13 giờ 30, bão đi qua khu vực ven biển, đi sâu vào đất liền. Lúc này, trời bắt đầu có mưa to. Hiện người dân các địa phương đã bắt đầu dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão.

Trong khi đó tại tỉnh Nghệ An, ảnh hưởng của bão số 2 đã gây ngập úng cục bộ ở một số điểm trên địa bàn huyện Đô Lương và Quỳ Hợp. Trong chiều 2/8, có những đoạn đường trên địa bàn thị trấn Đô Lương nước ngập sâu tới 50 - 60 cm, một số nhà dân 2 bên đường ngã ba thị trấn nước mấp mé nền nhà.

Tại huyện Quỳ Hợp, trong chiều 2/8, trên địa bàn các xã: Châu Cường, Châu Đình, Châu Quang... có mưa to kéo dài. Mưa đã gây ngập nhiều tràn qua đường và khoảng 100 ha lúa mùa.

Tính đến 17 giờ ngày 2/8, địa bàn huyện Quỳ Châu có khá nhiều cầu tràn bị ngập nước. Như Tỉnh lộ 544 từ thị trấn Tân Lạc đến xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu hiện có 2 vị trí tại xã Châu Phong đã bị ngập nước sâu từ 1,5 -1,7 m. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, đến cuối chiều nay vẫn đang mưa lớn, địa bàn huyện có 16 cầu tràn bị ngập sâu trong nước.

Trước tình hình đó, UBND huyện Quỳ Châu đã phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, Quốc lộ chỉ đạo thành lập các chốt barie phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn không cho người dân lưu thông qua lại.

Ngoài việc các cầu tràn bị ngập, tỉnh Nghệ An còn có khá nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi, không đảm bảo an toàn giao thông cho người dân qua lại. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tăng cường lực lượng để canh gác, cảnh báo cho Nhân dân đi lại đảm bảo an toàn.

Tại Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều tuyến phố chính của TP bị ngập sâu từ 0,2 - 0,5m như: Cầu Đất, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Cát Dài, Bạch Đằng... Đến 15 giờ, tình trạng ngập lụt vẫn chưa được cải thiện. Nhiều phương tiện tham gia giao thông bị ngập nước, chết máy.

Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hải Phòng, những năm gần đây, hệ thống thoát nước của TP tuy được đầu tư và cải thiện đáng kể, nhưng vẫn thiếu đồng bộ và xuống cấp. Vì vậy, khi có mưa lớn việc tiêu thoát nước chưa đáp ứng được nên tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra.

Nam Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ghi-nhan-thiet-hai-ban-dau-do-bao-so-2-nhieu-noi-ngap-ung-391908.html