Ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Với niềm tin tưởng kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II năm 2020 sẽ tạo 'động lực' mới trong vấn đề bảo vệ và phát triển vùng DTTS trong thời gian tới, nhiều đại biểu ưu tú của vùng đồng bào DTTS đã có những ý kiến tâm huyết gửi gắm tới Đại hội. Báo Biên phòng giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến tại sự kiện chính trị quan trọng này.

Đại tá Vừ A Khua, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Điện Biên: Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài, tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, có địa hình hiểm trở. Những năm qua, BĐBP Điện Biên luôn quan tâm phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia.

Có thể nhận định rằng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là những tấm gương tiêu biểu trên lĩnh vực văn hóa, đời sống xã hội, là trung tâm đoàn kết, là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động quần chúng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ thực sự là “cầu nối” giữa BĐBP với đồng bào DTTS, có vai trò quan trọng trong xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân và là cơ sở vững chắc để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục quan tâm, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng DTTS. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ, quan tâm nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS trong bộ máy chính quyền các cấp phù hợp với tỷ lệ dân số giữa các dân tộc trong địa bàn...

Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an: Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, song, tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng thành thị với vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS tiếp tục gia tăng. Tình trạng phá rừng, vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tái trồng cây thuốc phiện, mua bán người, buôn lậu... tại vùng DTTS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về thành tựu của công tác dân tộc ở Việt Nam với bạn bè quốc tế; cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc cho các tổ chức quốc tế về nhân quyền, các cơ quan đại diện ngoại giao; đồng thời, có giải pháp đấu tranh, phản bác các hoạt động vu cáo, xuyên tạc vấn đề dân tộc ở Việt Nam của các thế lực thù địch và phản động.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện các điều ước liên quan đến DTTS mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nhằm tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ Việt Nam trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc ngăn chặn các đối tượng, tổ chức phản động hoạt động ở vùng DTTS và miền núi, tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam...

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo là điều kiện cần thiết và quan trọng để đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên hòa nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền bình đẳng của mình về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta cần giải quyết một cách khoa học về vấn đề này và phải xem đó là nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS, nhất là con, em hộ nghèo và hộ cận nghèo trong khu vực được tiếp tục học tập, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa có Trường dự bị Đại học Dân tộc nên con, em đồng bào DTTS phải đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt cao, nên các em không thể tiếp tục học tập. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất Trung ương cho phép thành lập Trường dự bị Đại học Dân tộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc Ủy ban Dân tộc đặt tại tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy rằng, cần thiết có chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo và sử dụng lao động DTTS; có chính sách đầu tư phù hợp thúc đẩy xuất khẩu lao động đối với DTTS; giải quyết thu nhập ổn định, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào...

Thượng tá Rơ Mah Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Gia Lai: Cũng như nhiều đại biểu tham dự Đại hội, tôi tin tưởng rằng, với các mục tiêu, giải pháp cụ thể đã được Đại hội thông qua sẽ định hướng, tạo khí thế mới cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS nói chung, vùng biên giới nói riêng.

Từ thực tiễn ở địa phương, có thể khẳng định, đồng bào các DTTS chính là những “cột mốc sống” hỗ trợ đắc lực và bảo đảm cho BĐBP hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng bào các DTTS tại những vùng biên giới chính là tai mắt giúp BĐBP phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu chống phá của kẻ địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhân dân vùng biên giới cũng là người đùm bọc, nuôi nấng, che chở, động viên, giúp đỡ các chiến sĩ Biên phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đồng bào các DTTS đối với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy hiệu quả vai trò của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Thời gian tới, BĐBP Gia Lai tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trên lĩnh vực công tác của mình, đồng thời, xác định biện pháp cụ thể, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò của đồng bào các DTTS; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc, để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ông A Blong, già làng, người uy tín làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum: Dân tộc Rơ Măm chúng tôi có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc với những nét nổi bật về sự giàu có của tri thức văn hóa dân gian và kinh nghiệm canh tác nương rẫy, những truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống và nhiều loại nhạc cụ khác. Dân tộc Rơ Măm có quan niệm mọi sự vật và hiện tượng đều có thần linh ngự trị, phong tục tập quán gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là lễ cúng cơm mới và các lễ tạ ơn thần lúa...

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều DTTS rất ít người khác, văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm trong thời gian qua đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn trong việc lưu giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Đơn cử như việc trước năm 2017, không còn người Rơ Măm nào biết cách thức dệt vải truyền thống khiến nghề truyền thống này đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Mô Rai nói chung, làng Le nói riêng để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa dân tộc Rơ Măm với các dân tộc khác, giữa vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS đặc biệt khó khăn với vùng thuận lợi. Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tổ chức phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi, văn học, nghệ thuật dân gian của dân tộc Rơ Măm. Hiện nay, dân tộc Rơ Măm có tiếng nói để giao tiếp nhưng chưa có chữ viết, vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tổ chức sưu tầm, nghiên cứu bộ chữ viết cho đồng bào Rơ Măm để xây dựng bộ tài liệu lưu truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ sau.

Thiếu tá Mùa Lao Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La: Tôi rất vinh dự và tự hào là một người chiến sĩ con em của đồng bào dân tộc Mông trong BĐBP được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020. Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí và tâm đắc với Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Từ diễn đàn của Đại hội hôm nay, một lần nữa, chúng tôi - con em của đồng bào DTTS xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu.

Từ đáy lòng mình, chúng tôi nguyện đem hết tinh thần và sức lực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống; đồng thời, tiếp tục khẳng định, đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 54 dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn kề vai sát cánh bên nhau chế ngự thiên nhiên, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Dùng Thị Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang: Tôi là một đại biểu người dân tộc Lô Lô đến từ thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang được về dự Đại hội. Qua nghe báo cáo trình Đại hội, tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung đã nêu trong báo cáo.

Có thể thấy rằng, từ điểm xuất phát thấp, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, sự đầu tư của Nhà nước có hạn, chúng ta cần phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho thế hệ trẻ người DTTS về truyền thống, văn hóa của dân tộc mình để họ chủ động và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trung úy Moong Văn Xôm, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An: Tôi đã tận mắt chứng kiến “cái chết trắng” len lỏi vào đời sống của người dân, lấy đi mạng sống, sức khỏe của đồng bào, gây ra nhiều hệ lụy xã hội, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự nơi biên giới. Trước tình hình đó, tôi và đồng đội luôn xác định, công tác phòng, chống ma túy ở vùng biên, vùng DTTS là hết sức nặng nề, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của BĐBP. Vì thế, bản thân tôi luôn kiên định lập trường tư tưởng, đồng thời, tăng cường rèn luyện về kiến thức kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong bối cảnh hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy đặt ra những thách thức mới cho công tác bảo vệ an ninh biên giới nói chung và công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS nói riêng. Tôi nhận thấy, cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, tiếp tục thực hiện tốt việc nắm tình hình, nhất là âm mưu, hoạt động của tội phạm, cùng với đồng đội đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Linh Đan (ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ghi-nhan-nhieu-y-kien-tam-huyet-voi-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post435625.html