Ghi nhận một mốc dấu

Sau khi đọc tập thơ 'Dòng sông không tiếng sóng', NXB Hội Nhà văn, quý IV- 2020, của nhà báo, nhà văn Nguyễn Minh Nguyên, nhà văn Khiếu Quang Bảo đã có những lời bình về tập thơ này. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Ghi nhận một mốc dấu

Ghi nhận một mốc dấu

Phải yêu ngày xưa nhiều lắm mới thôi thúc Nguyễn Minh Nguyên viết tập thơ này. Ngày xưa ấy cách nay trên dưới 60 năm khi anh còn là đứa trẻ tuổi học trò. Ở một làng quê gần ven đô có cái thị tứ nho nhỏ: Đi học, chăn trâu, thả diều, đánh khăng, chọi cỏ gà...vô tư trong vòng tay bà mẹ tảo tần, lòng anh chộn rộn “Tiếng sáo diều chiều đông”.Bây giờ cái thị tứ ấy đô thị hóa lên thị trấn, và trong tầm nhìn gần nó có thể lên quận, và ở tầm nhìn xa 2050 nó sẽ lên thành phố trong thành phố Hà Nội. Vậy là anh tiếc nuối kỷ niệm một thuở “trẻ trâu”.

Trước hết anh thương nhớ về những dòng sông hoặc trong xanh hoặc đỏ quạch phù sa bên lở bên bồi.“Ơi dòng sông thân thuộc / Phù sa hồng...bờ bãi đắp bồi tôi”.Ở một bài khác: “Sông ơi! Sao không vỗ sóng? / Tôi áp tai vào đất / Sông không trả lời / Áp ngực đằm sâu ngực nước / Sông mở lòng tin cậy trả lời tôi”.Tiếp, Nguyễn Minh Nguyên nhớ Mùa thu với “Dòng sông Thu”, “Thơ cuối Thu”“Mùa Thu của tôi”.Nhớ những bụi tre ngà đường làng có những căn nhà mái tranh mái rạ mỗi sớm mai và đỉnh trưa có tiếng gà gáy. Rồi tiếng ve sầu râm ran vòm lá xanh nơi trái nhà có cây ổi thơm “Trái ổi tuổi thơ / Đậu tiếng ve xưa dày đặc / Thơm suốt đời theo mỗi bước tôi đi”. Anh thương bà mẹ nay lưng đã còng với “Giờ mẹ tôi không đi bán mặt trăng” - ý bán bánh đa ở chợ Vân ngày xưa – kính tặng mẹ thượng thọ 107 tuổi.

Nguyễn Minh Nguyên là người đa cảm. Qua Kinh Bắc về là nhớ liền anh liền chị nôn nao, chiếc áo tứ thân khăn mỏ quạ cùng câu ca mời trầu“Ngày xuân anh lên Bắc Ninh / Về lòng dạ không sao yên được / Em hát Người ơi Người ở đừng về”. Về Phố Hiến cũng đắm đuối với cây nhãn tổ 700 năm“Hoa nhãn trải ngang trời miên man”, cùng các văn nhân xứ nhãn nơi bia đá Văn miếu Xích Đằng“Sỹ tử về đây lều chõng thi Hương / Quê Phủ Cừ, Khoái Châu, Yên Mỹ.../ Chong đèn đến gà gáy sáng”...ôn bài.

Nguyễn Minh Nguyên khéo khơi động nỗi niềm người khác qua những câu thơ anh viết về ký ức, đánh thức những ký ức người nào trót đọc thơ anh, để rồi anh triết luận cuộc đời, cùng những câu“Hỏi trời xanh, hỏi đám mây vần vũ -sao lại thế?”. Có lẽ vì thế nên trong 46 bài thơ trong tập chỉ có 3 bài anh dùng thể lục bát. Có lẽ thơ tự do cho anh tuyên ngôn dễ dàng hơn chăng? Ở tập thơ này Nguyễn Minh Nguyên chọn lọc ngôn từ kỹ càng, giàu hình tượng, đa chiều suy tưởng lắm khi tới bất ngờ“Gió đưa Người thơ về miền xa vắng / Sông ở lại chịu đời mình cay đắng!”.

Đây là tập thơ thứ 6 của anh sau “Hạt cốm nơi phồn hoa”“Viết dưới xanh êm”. Đang “thơm” đang “êm” bỗng “Dòng sông không tiếng sóng”. Đủ thấy anh có tâm trạng “thương nhớ ngày xưa”. Có sự dịch chuyển về cách cấu tứ và viết. Cảm xúc-liên tưởng-suy tưởng đan xen. Có khổ thơ chỉ một câu, giống như dằn hắt. Để rồi như “thở dài” thả dòng đời chảy đến vô cùng“Ta tự trầm mình mát lạnh với mênh mông”.

Từ những nhớ thương ấy anh đã quên “thể tất nhân tình thế thái” với sự phát triển, và trong phát triển nóng vội, chụp giật đã đẩy tới phát trỉen thiếu bền vững. Trước đây bọn quan lại bóc lột sức dân trắng trợn, thì nay quan tham lợi dụng kẽ hở của luật pháp đã “ăn đất”. Đó là thực tế phải trừng trị và đã trừng trị. Nhưng anh luyến nhớ rặng tre ngà khi đô thị hóa làng anh lên phường thì đất nông nghiệp hẹp phải canh tác công nghệ cao cho sản phẩm sạch OCOP, đó là rau quả oganic. Những con đường làng nông thôn mới “cứng hóa bê tông” chạy liên thôn liên xã kết nối giao thông - kinh tế vùng là tiện ích cơ sở hạ tầng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến cây nhãn tổ phố Hiến nay thoái hóa đã phải lai tạo giữ nguồn gien để nay mới có “Nhãn Hưng Yên” có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước đi châu Âu, Mỹ và các quốc gia Đông Bắc Á. Và anh trách nhẹ “Giáo sư công nghệ” thì oan. Bởi đội ngũ những nhà khoa học này đã góp phần làm nên đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, nền hành chính thông minh quản lý và quản trị xã hội dễ dàng, làm nên nền kinh tế tuần hoàn bảo vệ môi trường. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và sẽ làm thay đổi căn bản cuộc sống hướng tới thế giới phẳng. Mà người dân là đối tượng thụ hưởng. Đành rằng “Công nghệ 5G” có thể mang lại nhiều bức xạ.

Nói gì thì nói, đây là thơ Nguyễn Minh Nguyên, của riêng Nguyễn Minh Nguyên.Với tôi, nó ghi nhận một mốc dấu “tái cấu trúc hình thức” trong thơ anh cùng hành trình sáng tác của anh.

Nhà văn, nhà báo Khiếu Quang Bảo

Nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài PTTH Hà Nội

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ghi-nhan-mot-moc-dau-n23462.html