Ghi âm, ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử có hiệu lực từ 18.3: Tăng tính khách quan, tránh bức cung nhục hình

Thông tư liên tịch 03.2018 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 18.3 sẽ tăng tính khách quan của quá trình điều tra, hạn chế bức cung, nhục hình; đồng thời là căn cứ quan trọng khẳng định bị can có tội hay không, ngừa oan sai.

Việc hỏi cung được ghi âm, ghi hình là bước tiến bộ, tránh oan sai. Ảnh: TL

Tránh bức cung, nhục hình

Thông tư quy định rõ cán bộ (CB) hỏi cung bị can (BC) hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (PNTMPT) sẽ quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trong quá trình làm việc này, CB hỏi cung có thể tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh song đọc rõ thời gian và lý do.

CB hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTMPT (người bị hỏi cung) phải đăng ký với CB chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) để được bố trí phòng chuyên dụng trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. Sau đó, CB hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với BC bị tạm giam hoặc triệu tập BC đang tại ngoại theo quy định. Thông tư nêu rõ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản.

Đặc biệt, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTMPT. Nếu đang hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTMPT mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai.

Trong giai đoạn truy tố, viện trưởng, phó viện trưởng VKSND, kiểm sát viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung BC để đánh giá chứng cứ; kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; có hay không bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.

TAND công bố nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra khi bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của PNTMPT thay đổi lời khai hay khi có đề nghị của kiểm sát viên, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác.

Việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình lấy cung được cho là sẽ tăng tính khách quan, tránh bức cung nhục hình. Ảnh: T.C.A

Chứng cứ để kết tội và gỡ tội

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.Hà Nội) đánh giá quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị cáo là rất tiến bộ, đột phá của cơ quan điều tra, phù hợp với thực tiễn. Thể hiện đảm bảo quyền con người nói chung và quyền của BC nói riêng. Thể hiện đường lối và nguyên tắc của Đảng, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Ông Toàn cho rằng, việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung cũng chống oan sai, bên cạnh đó cũng là một trong những chứng cứ rất có ý nghĩa để tòa án kết tội hoặc gỡ tội. “Thực tế quá trình giải quyết tại tòa án, khi chưa có quy định này rất nhiều các BC, bị cáo ra tòa đã phủ nhận toàn bộ lời khai của mình tại cơ quan điều tra và đưa nhiều lý do để phủ nhận lời khai trước đó. Chính vì vậy, việc chứng minh của tòa lại gặp khó khăn. Giờ khi có ghi âm thì việc phủ nhận lời khai là không thể” - ông Toàn nói.

Ngoài ra, theo thẩm phán Toàn, về cơ sở vật chất liên quan đến việc này cũng cần phải nhắc tới. Ông Toàn dẫn chứng, mỗi năm ở TAND TP.Hà Nội có khoảng 13.000 vụ án hình sự kéo theo khoảng 20.000 bị cáo. Lúc đó thì cơ sở vật chất cho các vụ án, bị cáo phục vụ trong việc ghi âm, ghi hình để xét xử là rất lớn. Cụ thể như phải trang bị máy chiếu, máy đọc, màn hình… để khi có yêu cầu là phải thực hiện được. Trong những mặt tích cực thì luôn có những trăn trở mà thẩm phán Trương Việt Toàn chia sẻ đó là việc xét xử vụ án có thể kéo dài thêm thời gian.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa 14, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết việc ghi âm, ghi hình có hiệu lực thực hiện là một trong những bước tiến rất quan trọng của việc cải cách tư pháp trong việc tiến hành xác minh, điều tra các chứng cứ có liên quan đến vấn đề phạm tội.

Ông Nhưỡng cho rằng, quá trình điều tra là quá trình điều tra khoa học, khách quan, toàn diện chứ không phải chạy theo bệnh thành tích để các cán bộ điều tra lấy lời khai dẫn đến các oan sai. “Đây cũng là bước rút kinh nghiệm trong những vụ đã để xảy ra oan sai và cũng vừa tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn. Đồng thời cũng giúp cho các cơ quan đó để làm tốt công việc của mình mà pháp luật giao cho” - ông Nhưỡng nói. Cũng theo ông Nhưỡng, bản thân ghi âm, ghi hình cũng chưa phải là biện pháp hoàn hảo để đảm bảo tránh bức cung, nhục hình. Ông Nhưỡng lấy ví dụ, khi đưa ra ngoài đánh, đe dọa sau đó đưa vào ghi âm ghi hình như vậy thì khó có thể biết được. Chính vì vậy, hỏi cung là một quá trình liên tục và tôn trọng sự tham gia của luật sư và đảm bảo quyền tham gia của luật sư giai đoạn đầu.

Tạo tâm lý thoải mái cho bị can

Trong khi đó, Ths - Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là quy định xuất phát từ Hiến pháp đảm bảo quyền con người, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, cũng như nguyên tắc công bằng, suy đoán vô tội. Quy định mới này phù hợp với sự phát triển của nguyên tắc tố tụng ở các nước trên thế giới, phù hợp với thời đại công nghệ hiện nay. Nó đảm bảo tính khách quan trong tố tụng hình sự.

Luật sư Cường cho rằng, từ Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng Hình sự có những quy định sửa đổi, bổ sung để hiện thực hóa nguyên tắc suy đoán vô tội và đảm bảo tính công bằng trong tranh tụng. Thông tư này chỉ là một văn bản hướng dẫn thi hành thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Việc ghi âm, ghi hình là một sự tiến bộ cần thiết thể hiện tính khách quan.

“Với quy định mới này, các BC, bị cáo khi được hỏi cung, lấy lời khai thì họ sẽ cảm thấy yên tâm, được coi trọng và tự do hơn trong việc trình bày, khai báo. Những cán bộ điều tra, kiểm sát viên, luật sư tham gia vào quá trình tố tụng cảm thấy thoải mái hơn. Mọi buổi hỏi cung, đối chất với BC, bị cáo thể hiện tính khách quan, công khai, minh bạch. Bởi vậy việc triển khai quy định này cần được thực hiện đồng bộ hiệu quả đầy đủ trên phạm vi cả nước. Chứng cứ ghi âm, ghi hình này cần được sử dụng hiệu quả” - LS Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, quy định này hạn chế phần nào sự thiếu khách quan, hạn chế việc bức cung nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa giải quyết triệt để được, mà cần phối hợp với nhiều biện pháp khác. Cụ thể như tăng cường sự kiểm tra giám sát của Viện kiểm sát, của cơ quan dân cử cũng như sự kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng như chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, trình độ của cán bộ người tiến hành tố tụng là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, không ngoại trừ trường hợp có ghi âm, ghi hình nhưng cơ quan, tổ chức thực thi không thực hiện nghiêm túc, hoặc không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình hỏi cung. Luật sư Cường lấy ví dụ họ gặp trước, làm việc trước, sau đó làm việc công khai, họ mới bật ghi hình. Khi đó, tâm lý, ý chí của BC, bị cáo không được minh mẫn, tự nguyện. Lời khai trong ghi âm, ghi hình chưa chắc đã là lời nói thật.

CAO NGUYÊN - NGUYỄN HẰNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/ghi-am-ghi-hinh-trong-dieu-tra-truy-to-xet-xu-co-hieu-luc-tu-183-tang-tinh-khach-quan-tranh-buc-cung-nhuc-hinh-596148.ldo